Ngành dệt may: Tìm lời giải cho “bài toán” nguyên liệu
Doanh nghiệp xoay sở đáp ứng đơn hàng
Với 80% cơ cấu sản xuất dành cho xuất khẩu (XK), Tổng công ty May 10 – CTCP (May 10) đang rất lo lắng về nguồn vật tư phục vụ cho các đơn hàng, nhất là những đơn hàng cuối tháng 3 và đầu tháng 4. DN hiện cũng có những đơn hàng ký hơn 500 nghìn sản phẩm kéo dài hết tháng 6, bắt đầu sản xuất từ tháng 2, nhưng cũng chỉ mới nhận được vật tư sản xuất đủ hết tháng 3.
Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu |
Hiện May 10 đang phối hợp với các khách hàng, tìm giải pháp xử lý tình huống. Tuy nhiên, để tìm được nguồn cung thay thế là khó khả thi, bởi nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước không đáp ứng đủ, tìm nguồn vật tư thay thế từ nước ngoài lại cần nhiều thời gian. Nhưng khó khăn trên không phải riêng của May 10 mà là tình trạng chung của rất nhiều DN dệt may trong nước hiện nay. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nguồn nguyên liệu bị gián đoạn đã ảnh hưởng đến 20-30% năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, DN còn phải đối mặt với nỗi lo chịu phạt trong trường hợp không hoàn thành hợp đồng đã ký.
Khẳng định XK sẽ gặp khó khăn trong năm nay, ông Cao Hữu Hiếu- Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - phân tích, ngành may phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vải nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc, trong khi đó sản xuất tại quốc gia này đang bị đình trệ, khiến một số đơn hàng NK bị chậm tiến độ. Mặt khác, hầu hết sản phẩm sợi của Việt Nam được XKsang thị trường Trung Quốc, sự đình trệ sản xuất tại quốc gia này cũng khiến XKsợi bị ảnh hưởng.
Giải pháp cho “nút thắt” thiếu nguyên liệu
Sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của ngành dệt may là vấn đề không mới. Số liệu từ Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương - cho thấy: Hàng năm, Việt Nam NK 60% vải, 55% xơ sợi và 45% phụ liệu từ thị trường Trung Quốc. Việc để phụ thuộc quá nhiều vào một, hoặc một vài thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho ngành dệt may trong nước.
Hiện Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đang ráo riết tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, mục tiêu ổn định sản xuất, XK cho DN. Nhưng với ngành dệt may, “nút thắt” thiếu nguồn cung nguyên liệu vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Mấu chốt hiện nay là phải tìm ra nguồn cung thay thế cho nguồn NK từ Trung Quốc. Bản thân DN cũng nên tự xoay sở, tìm nguồn cung trong nước và từ các quốc gia khác như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… để thay thế. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo, để khắc phục khó khăn trước mắt, bản thân DN chủ động xây dựng chuỗi liên kết nguồn cung thiếu hụt, chấp nhận mức giá cao hơn để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất trung hạn.
Về dài hơi, Chính phủ sớm hoạch định chiến lược quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may giai đoạn 2035-2040, từ đó quy hoạch các khu công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực này.
Covid-19 gây tác động tiêu cực cho sản xuất, XK hàng dệt may, nhưng đây cũng là dịp để các DN quyết liệt hơn nữa trong tìm kiếm các thị trường mới, hạn chế sự phụ thuộc nguyên liệu vào thị trường Trung Quốc. |