Ngành Công Thương: Tích cực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết Kỷ Hợi 2019
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2018 đạt 4.395.705 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 12,41% (cao hơn mức tăng chung và hơn mức tăng nhóm bán lẻ hàng hóa của 5 năm gần đây). Cũng trong năm vừa qua, thị trường hàng hóa trong nước dù chịu ảnh hưởng của giá hàng hóa thế giới có biến động tăng và nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm giảm gây tăng giá, tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc điều tiết thị trường, điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý một cách linh hoạt, hiệu quả. Lạm phát được kiểm soát tốt, niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố. Trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, với các yếu tố tích cực từ nền kinh tế cả nước đang khởi sắc, cùng với thu nhập từ lương, thưởng Tết tăng, có thể nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng khá (dự kiến khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (thứ hai từ phải sang) dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019 |
Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết 2019, ngay từ tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị hàng hóa, chương trình phục vụ Tết, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm. Bên cạnh đó, để nắm tình hình thực tế triển khai công tác chuẩn bị Tết tại các địa phương, trong tháng 12/2018, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) tổ chức đoàn làm việc tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam,TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai...).
Tại các địa phương, thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương đã đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong công tác triển khai kế hoạch Tết. Đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đã và đang tích cực triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Kỷ Hợi 2019. Đáng chú ý, năm nay, hầu hết các địa phương thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, giảm thiểu sử dụng vốn ngân sách. Một số địa phương vận dụng linh hoạt nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện Chương trình bình ổn thị trường không chỉ với hàng tiêu dùng trong dịp Tết mà còn với vật tư nông nghiệp...
Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước. Các mặt hàng dự trữ chủ yếu gồm: Gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa phục vụ Tết. Đáng mừng hơn, hàng Việt Nam, nhất là bánh, mứt, kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao và chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tại các địa phương.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh (thứ hai từ phải sang) và Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thăm gian hàng tại Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2018 |
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương luôn quan tâm tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, nhất là hàng bình ổn thông qua hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức điểm bán hàng Tết, các hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với những chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... Ngoài ra, các địa phương cũng lên kế hoạch đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại xã, huyện vùng sâu, vùng xa, xã đảo xa đất liền. Cụ thể, tỉnh Kiên Giang luôn dành một phần ngân sách địa phương để hỗ trợ chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn đưa hàng ra xã đảo, xã vùng sâu, biên giới. Ngoài ra, các địa phương như: Đà Nẵng, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai... cũng hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa đã và đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình phục vụ Tết, xúc tiến thương mại dịp cuối năm… Những yếu tố trên chắc chắn sẽ giúp thị trường hàng hóa ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người dân, không xảy ra việc thiếu hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường. Người dân mọi miền Tổ quốc sẽ có đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm để đón Tết Kỷ Hợi 2019 vui tươi, an toàn, tiết kiệm.