Thứ tư 27/11/2024 09:11

Ngành Công Thương khu vực phía Bắc: Vững vàng vượt thách thức

Nửa đầu năm 2024, ngành Công Thương khu vực phía Bắc đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo, linh hoạt triển khai chính sách, vững vàng vượt qua những thách thức.

Tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024 diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó của các địa phương khu vực phía Bắc khi đạt những kết quả đáng ghi nhận về sản xuất công nghiệp và thương mại.

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2024 mặc dù bối cảnh cho phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự điều hành linh hoạt của Bộ, sản xuất công nghiệp của 28 địa phương khu vực phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị

Đáng nói, 25/28 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương so với cùng kỳ; 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Một số trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội…

Song song với công nghiệp, thương mại trong và ngoài nước của các địa phương trong khu vực cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ: Hải Phòng đạt 16 tỷ USD, chiếm 13,3%, tăng 21%; Thái Nguyên đạt 17,8 tỷ USD, chiếm 14,7%, tăng 34%; Bắc Giang đạt 16,5 tỷ USD, chiếm 13,7%, tăng 22%...

Cùng đó, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Công Thương của các địa phương khu vực phía Bắc cũng đã được triển khai thông suốt, đạt hiệu quả, đóng góp vào sức tăng trưởng khả quan của ngành trong 6 tháng đầu năm.

Đánh giá về những kết quả đạt được của 28 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc trong nửa đầu năm 2024, Bộ Công Thương ghi nhận, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại Khu vực phía Bắc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như của cả nước.

Sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng bền vững, giảm dần tỷ trọng lĩnh vực khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao.

Các địa phương trong khu vực cũng đã chủ động tham mưu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh/thành phố rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực ngành để đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp. Triển khai các quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh thuộc lĩnh vực ngành đã được phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Tích cực triển khai tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương; công tác cải cách hành chính được thực hiện tốt, nhiều lĩnh vực của ngành được phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, cấp xã thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn…

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu lớn

Mặc dù ghi nhận kết quả khả quan, nhưng Bộ Công Thương cũng cho rằng, ngành Công Thương khu vực phía Bắc vẫn tồn tại những hạn chế. Trong đó, một số các tỉnh, thành phố chỉ tiêu được giao còn đạt thấp, có chỉ tiêu còn tăng trưởng âm (công nghiệp, xuất nhập khẩu). Việc xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, phát triển mô hình nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp xanh… của một số địa phương còn lúng túng chưa xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện được.

Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng xét về tổng thể một số tỉnh vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chưa hình thành được hệ thống các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa lớn.

Công tác liên kết kết nối vùng, khu vực (nhất là các tỉnh, thành phố có địa bàn giáp danh) để phát triển đồng bộ các lĩnh vực của ngành (quy hoạch hạ tầng công nghiệp, thương mại, năng lượng, logictic...) còn hạn chế, cơ chế chính sách của các địa phương cũng có sự khác nhau, việc phối hợp liên kết chưa thường xuyên và thiếu chiều sâu; chưa xây dựng được quy chế hợp tác phát triển giữa các thành viên trong vùng... ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chung ngành Công Thương khu vực và cả nước.

Việc phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư như diễn đàn đầu tư, hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm của các địa phương trong khu vực chưa được tiến hành thường xuyên và hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực thương mại điện tử phát triển chưa đồng đều ở các địa phương nhất là các địa phương khu vực miền núi…

Theo Bộ Công Thương những hạn chế trên sẽ là thách thức đáng kể của ngành Công Thương khu vực phía Bắc nói riêng, ngành Công Thương nói chung trong hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao trong năm nay, như: Chỉ số IIP tăng khoảng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 9%.

Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, Chương trình hành động của ngành Công Thương và kế hoạch hành động của UBND các tỉnh/thành phố thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Các địa phương khẩn trương tiếp tục rà soát, bổ sung các chiến lược, đề án và kế hoạch phát triển các ngành kinh tế, nhất là lĩnh vực Công Thương để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Tập trung đẩy nhanh các dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; theo dõi bám sát tình hình sản xuất kinh doanh đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực sản xuất, năng lực kinh doanh phân phối.

Từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, lắp ráp, công nghiệp quốc phòng, an ninh; chú trọng các ngành có lợi thế cạnh tranh; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới; sản xuất nguyên liệu cung cấp đầu vào cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước.

Kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh.

Nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường giá cả, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối, kích cầu tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; củng cố, phát triển thị trường truyền thống và khai thác thị trường xuất khẩu mới; chuyển mạnh cơ cấu xuất khẩu cả về mặt hàng và thị trường, chú trọng phát triển theo chiều sâu; khai thác có hiệu quả các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do.

Toàn cảnh hội nghị

Khuyến khích đầu tư kho bãi hàng hóa, khai thác hiệu quả khu thương mại - công nghiệp và hình thành khu hợp tác qua biên giới. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, buôn bán biên giới, duy trì và quản lý tốt hoạt động tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.

Tích cực, chủ động thu hút đầu tư dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Hydrogen,...

Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa ngành Công Thương các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung liên kết cung ứng hàng hóa, góp phần cân đối cung - cầu trong khu vực. Xây dựng các chương trình kết nối giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý và người tiêu dùng trong khu vực; có những cơ chế hỗ trợ để mở rộng thị trường về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nhóm phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Quảng Bình: Tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt 73%

Đà Nẵng: Công bố 51 doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư sản xuất trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ

Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa 40%, công nghiệp ô tô thêm động lực từ tân binh Omoda & Jaecoo

Sản xuất thép ray cho đường sắt tốc độ cao: Doanh nghiệp trong nước sẵn sàng vào cuộc

Sửa đổi Luật Hóa chất thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới kinh tế xanh

Hội thảo khoa học "Phục hồi và phát triển ngành đóng tàu TP. Hải Phòng"

Gợi ý cho Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn hợp tác chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Việt

Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trấn Yên

Khuyến công Bình Định hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thiết kế bao bì, xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm

Bài 4: Kỳ vọng thổi 'luồng sinh khí' mới vào nền kinh tế

Năm 2024, sản xuất công nghiệp của Nam Định dự kiến tăng 14,5%

Chấp thuận đầu tư gần 3.000 tỷ đồng vào khu công nghiệp Đồng Văn VI

Chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình II, Hà Nam

Khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024: Quy mô cực lớn, nhiều bất ngờ chờ đón

Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và hội nghị tổng kết 2024

Bài 3: Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' để dự án về đích thành công

Bài 2: Bệ phóng để ngành công nghiệp chế tạo trong nước 'vươn tầm'