Thứ sáu 22/11/2024 17:12

Ngăn chặn thuốc lá lậu cuối năm: Giải pháp nào là căn cơ, hiệu quả?

Bên cạnh việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, thì tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng chống buôn lậu thuốc lá là cần thiết.

Sử dụng tàu cao tốc vận chuyển thuốc lá lậu

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), dù các đơn vị chức năng đã ráo riết vào cuộc đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá nhưng với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để đưa mặt hàng này vào tiêu thụ trong thị trường nội địa vì mức siêu lợi nhuận.

Bên cạnh thuốc lá điếu nhập lậu, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như: Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng dù chưa có khung pháp luật quản lý nhưng đã và đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau, được bán tràn lan trên thị trường và có xu hướng gia tăng.

Với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, các đối tượng vi phạm vẫn tìm mọi cách đưa thuốc lá lậu vào tiêu thụ trong thị trường nội địa vì mức siêu lợi nhuận. Ảnh DMS

Là một trong những địa bàn “nóng” với vấn nạn buôn lậu thuốc lá, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia ở cả trên biển và trên cả đất liền. Dù đã nỗ lực, nhưng 9 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã xử lý khoảng 998 vụ việc liên quan đến thuốc lá và đường cát, thu nộp ngân sách khoảng 198 tỷ; qua đó, khởi tố 36 vụ, 16 người có liên quan.

Công tác phòng, chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với mặt hàng thuốc lá, đường cát ngày càng diễn biến phức tạp. Số vụ kiểm tra, xử lý tăng qua các năm”- ông Lê Quốc Anh thông tin.

Cũng theo các cơ quan chức năng, để vận chuyển thuốc lá lậu từ biên giới vào sâu nội địa, các đối tượng thường sử dụng ghe, tàu đánh bắt cá, tàu chở hàng, xuồng cao tốc... né tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng. Tinh vi hơn, các đối tượng xé lẻ thuốc lá, lợi dụng đêm tối, rạng sáng để thuê người mang vác vận chuyển từ biên giới vào sâu trong đất liền.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định, các đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, sử dụng những thủ đoạn tinh vi. Nhiều đối tượng lợi dụng cuộc sống khó khăn, thiếu việc làm của một bộ phận người dân ở khu vực biên giới để thuê họ vận chuyển, vô hình chung những người có hoàn cảnh khó khăn đã “tiếp tay”, đưa hàng lậu vào sâu nội địa.

Trong 8 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, phát hiện 2.799 vụ vi phạm về mặt hàng thuốc lá; tịch thu hơn 3 triệu bao thuốc lá điếu, trên 31.000 sản phẩm thuốc lá điện tử; 3,1 tấn nguyên liệu thuốc lá. Các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trên 2.300 vụ, 510 đối tượng, tổng số tiền phạt trên 20 tỷ đồng; xử lý hình sự 174 vụ, 189 bị can.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Dũng, con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế. Các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá lậu vẫn diễn biến phức tạp, hàng ngày, hàng giờ.

Các lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng thu giữ lượng lớn nguyên liệu thuốc lá. Ảnh DMS

Phân tích những nguyên nhân, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan đến từ lực lượng chức năng còn mỏng trong khi đường biên giới dài, nhất là địa hình biên giới phía Tây, Tây Nam phức tạp, có cả đường biển, đường sông, đất liền...

Hiện nay, để trốn chạy hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng thường dùng phương tiện tốc độ cao để vận chuyển hàng hóa vi phạm, trong khi, lực lượng quản lý thị trường và nhiều lực lượng khác chưa được trang bị phương tiện này” - ông Nguyễn Đức Lê thông tin và cho biết, thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng cả hàng không để vận chuyển thuốc lá lậu.

Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê, nguyên nhân khách quan đến từ hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều kẽ hở, chồng chéo, chưa đủ sức răn đe; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ...

Siết chặt kiểm tra, kiểm soát từ biên giới

Thực tế cho thấy, công cuộc đấu tranh với thuốc lá lậu còn gian nan, phức tạp, dài hơi và cần tăng cường hơn nữa các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng này. Theo ông Đặng Văn Dũng, dịp cuối năm, các hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu, trong đó có mặt hàng thuốc lá sẽ gia tăng. Do vậy, nhằm siết chặt tình trạng buôn lậu thuốc lá tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới... các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia như: Biên phòng, Công an, Hải quan sẽ tập trung cao độ, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường kiểm tra, rà soát, nắm tình hình tại các "điểm nóng" về thuốc lá lậu trên tuyến biên giới Tây Nam như: Quảng Trị, Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh...

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, giải pháp trước mắt là phải siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát thuốc lá lậu ngay từ biên giới. Do đó, trên biên giới, các lực lượng: Hải quan, Bộ Đội Biên phòng, Cảnh sát biển... là những lực lượng chính, chủ công. Còn trong nội địa, quản lý thị trường, công an... sẽ là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá.

Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác phối hợp, thông tin; chủ động nắm tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đối tượng, đường dây, tuyến địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá để triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống” - Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê kiến nghị.

Đáng chú ý, hiện nay, thương mại điện tử bùng nổ, phát triển mạnh mẽ; nhiều sản phẩm hàng hóa từ bao diêm, gói thuốc... đều được rao bán công khai trên các nền tảng thương mại điện tử, trong đó có nhiều hàng hóa là hàng cấm như thuốc lá điếu nhập lậu. Do vậy, việc kiểm tra, rà soát các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng thuốc lá trên thương mại điện tử cũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của các lực lượng chức năng trong thời gian tới.

Lãnh đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cho rằng, ngăn chặn vấn nạn buôn lậu thuốc lá và nâng cao hiệu quả của công tác chống buôn lậu thuốc lá cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật liên quan để phù hợp với tình hình thực tế thì việc tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng chống buôn lậu cũng là cần thiết.

Khánh An
Bài viết cùng chủ đề: thuốc lá nhập lậu

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái: Gian nan xử lý vi phạm hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử

TP. Hồ Chí Minh: Thu giữ lô nước hoa trị giá gần 1,2 tỷ đồng nghi giả mạo tại Namperfume

Lai Châu: Tập trung kiểm tra, ổn định hàng hóa tiêu dùng dịp cuối năm

Bắc Giang: Xử phạt hộ kinh doanh bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tạm giữ 160 sản phẩm thuốc lá điện tử nhập lậu

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện hơn 2.100 vụ buôn lậu và gian lận thương mại

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều cửa hàng bất chấp kinh doanh thuốc lá điện tử trái phép

Nam Định: Tạm giữ 200 áo phao không rõ nguồn gốc bán trên TikTok Shop

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Hà Nội: Xử lý 2.295 vụ việc gian lận thương mại trong tháng 10 năm 2024

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kiểm tra tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn

Cục Quản lý thị trường Bắc Giang công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ

Bắc Giang: Xử phạt hộ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Hà Nội: Quản lý thị trường thu giữ hàng trăm sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu

Tổng cục Quản lý thị trường tuyển dụng công chức năm 2024

Tập huấn, hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập tại Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh

Hà Nội: Xử lý cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử có dấu hiệu nhập lậu tại quận Hoàn Kiếm

Quản lý thị trường cả nước kiểm tra trên 61.000 vụ việc trong 10 tháng năm 2024

Tuyên Quang: Phát hiện và tạm giữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu NIKE tại huyện Sơn Dương

Hà Nội: Phát hiện cơ sở có dấu hiệu sản xuất thực phẩm giả mạo nhãn hiệu