Nâng hạng tín nhiệm và vị thế Việt Nam
Khách quan và độc lập, xếp hạng tín nhiệm của S&P cho thấy sự đổi mới trong điều hành chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ đối với nền kinh tế đã được quốc tế ghi nhận. S&P đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam, mà cụ thể là những cải thiện nhất quán và mạnh mẽ của kinh tế vĩ mô.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện vượt bậc |
Đưa ra những yếu tố minh chứng cho việc quyết định nâng hạng tín nhiệm đối với Việt Nam, S&P nhận định rằng, Việt Nam tuy là quốc gia có thu nhập nằm trong nhóm trung bình thấp nhưng nền kinh tế tăng trưởng nhanh và cơ cấu kinh tế đa dạng.
Những cải thiện trong ổn định kinh tế vĩ mô đã hỗ trợ cho sự tăng trưởng mạnh của khu vực FDI và ngành chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng GDP thực bình quân 6,2%/năm kể từ năm 2012 đến nay... Bên cạnh đó, trích dẫn xếp hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh trong Báo cáo Doing Business của WB, S&P nhìn nhận môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện vượt bậc trong những năm gần đây, với vị trí xếp hạng 69/190 quốc gia trong năm 2018, cải thiện 30 bậc chỉ trong 6 năm. Và đặc biệt, dư nợ đối ngoại quốc gia được cải thiện, kỳ vọng ở mức trung bình 9,4% tính cho cả giai đoạn 2018-2021; tính chuyển đổi của đồng VND cũng được S&P nâng hạng từ "BB-" lên "BB".
Từ nhiều nhận định mang tính tích cực nêu trên, S&P có thể tiếp tục cân nhắc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới. Và, với sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ cùng sự nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, môi trường thể chế tiếp tục có những thay đổi tích cực, tăng trưởng kinh tế được duy trì theo hướng bền vững, vị thế của Việt Nam nâng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế.