Nâng cao năng lực kiểm định và đánh giá sản phẩm đồ gỗ
Lễ ký kết hợp tác giữa QUATEST 3 và UL |
Việc khai trương khu văn phòng và phòng thử nghiệm tại QUATEST 3 tại TP. HCM đã tạo cơ sở để giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng của QUATEST 3 với các điều kiện tương đương với các khu thí nghiệm hiện đại của khu vực và quốc tế. Hiện nay công trình đã cơ bản hoàn thiện và đủ điều kiện để đưa vào khai thác phục vụ các yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, khẳng định sự hợp tác hiệu quả trong vấn đề tiêu chuẩn đo lường chất lượng giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam.
Đặc biệt, việc ký kết hợp tác giữa QUATEST 3 với tổ chức UL của Hoa Kỳ sẽ góp phần nâng cao năng lực kiểm định và đánh giá các sản phẩm đồ gỗ, đáp ứng các quy định về đặc tính kỹ thuật và an toàn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế phục vụ hàng hóa xuất khẩu cho các thị trường lớn như Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản.
Ông Hoàng Lâm, Giám đốc QUATEST 3 khẳng định, việc tham gia vào thỏa thuận hợp tác với UL sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất trong nước, giúp họ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ thử nghiệm chuyên môn, cho phép họ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Sự liên kết này cũng góp phần nâng cấp mối quan hệ và sự hợp tác cùng phát triển không chỉ với QUATEST 3 mà còn với các hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Ông Lâm cho biết, theo thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), hiện nay xuất khẩu các sản phẩm gỗ và nhất là đồ gỗ nội thất của Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu gần 6,9 tỷ USD (năm 2015), đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ nội thất các loại (chỉ sau Trung Quốc, Ý), đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, dự đoán sẽ đạt 7,2 - 7,3 tỷ USD năm 2016 và sẽ duy trì mức tăng trưởng trong các năm tiếp theo. Trong đó, Mỹ là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm gỗ nội thất hàng đầu thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam (chiếm 38,2%), tiếp theo là Nhật Bản, châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Úc...
“Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất của Việt Nam và khu vực là rất lớn. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ngành công nghiệp sản xuất này đã có những bước chuyển mình hướng đến xuất khẩu và đã có sự tăng trưởng ấn tượng”, ông Lâm nhấn mạnh.