Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể: Cần sự hợp tác của các bên
Chia sẻ tại tọa đàm "Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể", diễn ra mới đây, ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội - cho biết: Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đề ra mục tiêu phấn đấu, trong nhiệm kỳ, 75% số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn sẽ ký kết được thỏa ước lao động tập thể.
Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, toàn thành phố hiện mới có trên 40% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thực hiện được mục tiêu trên. Điều đáng nói, kỹ năng thương lượng của một số cán bộ công đoàn còn hạn chế, chưa chủ động đưa ra nội dung để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc…
Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp ngành may huyện Văn Lâm (Hưng Yên) |
Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, công đoàn cấp trên cần thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ công đoàn cơ sở, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng với người sử dụng lao động trong việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.
Đồng thời, tuyên truyền cho chủ sử dụng lao động hiểu đúng về vai trò của thỏa ước lao động tập thể. Chính quyền các cấp có biện pháp quyết liệt hơn trong việc yêu cầu và xử lý chủ doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định về quy chế dân chủ, không phối hợp với công đoàn tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại hoặc từ chối thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động một số cơ sở cũng kiến nghị, công đoàn cấp trên cần đổi mới phương pháp hoạt động, nhằm giảm áp lực về công việc cho công đoàn cấp dưới. Qua đó, cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở có điều kiện tiếp xúc, vận động và thuyết phục người lao động và cả người sử dụng lao động; hỗ trợ công đoàn cơ sở trong công tác thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể…
Theo ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố luôn xác định hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động của tổ chức công đoàn.
Vì vậy, những năm gần đây, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các đơn vị, doanh nghiệp, như: Đề án thí điểm: "Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2022"; thành lập Tổ tư vấn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm hỗ trợ công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn, tư vấn cho công đoàn cơ sở về quy trình, kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể...
Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế, để thỏa ước lao động tập thể thực sự hiệu quả, cần ưu tiên giải quyết một số vấn đề như: Công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể của người lao động.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy một công cuộc phục hồi toàn diện, bền vững và có khả năng chống chịu. Thương lượng tập thể cần giải quyết tình trạng bất bình đẳng, đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận, đảm bảo an ninh kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi đúng đắn, đạt được sự linh hoạt về thời gian làm việc và cải thiện cân bằng giữa công việc và cuộc sống…n