Chủ nhật 20/04/2025 14:45

Năm 2025: Thị trường thép chờ cú huých từ đầu tư công

SSI Research dự kiến nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10% trong năm 2025, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024.

Mức tăng trưởng được ghi nhận ở hầu hết các mặt hàng

Theo thống kê từ /chu-de/hiep-hoi-thep-viet-nam.topic (VSA), xuất khẩu thép ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Giá thép trong nước cũng hồi phục từ mức đáy 3 năm và liên tục tăng trong giai đoạn này.

Nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024. Ảnh: TT

Việt Nam bán hàng thép thành phẩm đạt 26,776 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng được ghi nhận ở hầu hết các mặt hàng, trong đó cuộn cán nguội (CRC) tăng cao nhất là 40,8%; tiếp đến là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tăng 32,8%, thép xây dựng 11,9% và ống thép 4,8%, riêng thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 2,2% so với cùng kỳ 2023.

Ngoài ra, ngành thép nội địa cũng đang hưởng lợi khi các biện pháp bảo hộ được tăng cường giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh. Cuối tháng 10/2024, Bộ Công Thương gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá bằng cách áp thuế với thép phủ màu và tôn màu của Trung Quốc, Hàn Quốc theo đó tạo đà tiêu thụ thép tốt hơn.

Đơn cử như Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) năm 2024 ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 33.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 230 tỷ đồng. Toàn hệ thống cung cấp ra thị trường ước đạt 3,56 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 21,3% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng tiêu thụ cán dài ước đạt 2,36 triệu tấn (tăng 10,7%) so với năm 2023.

Về thị phần thép xây dựng, Tập đoàn Hoà Phát đã gia tăng thị phần từ mức 38%, so với 35% trong 2023 nhờ tăng sản lượng tại các các dự án hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Thị phần tôn mạ có xu hướng giữ ổn định, với các công ty có thị phần lớn nhất gồm Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim và Tôn Đông Á.

Đánh giá về triển vọng ngành thép thời gian tới, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định rằng, năm 2025, ngành thép Việt Nam đã có nhiều tín hiệu phục hồi và dần ổn định trở lại sau thời gian dài lao dốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những dấu hiệu khởi sắc ban đầu, sự phục hồi này vẫn chưa chắc chắn và chưa bền vững do nhu cầu tiêu thụ không thực sự đột phá. Các dữ liệu phục hồi chủ yếu vẫn so sánh dựa trên mức nền thấp của năm ngoái. Thêm vào đó, ngành thép thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng thép Trung Quốc. Do vậy, trong ngắn hạn, ngành thép nước ta chưa thể bứt phá sang giai đoạn tăng trưởng mới và dự kiến tiếp tục diễn biến trầm lắng, ít nhất là trong nửa đầu năm sau.

Theo các chuyên gia, mặc dù đang nỗ lực phục hồi, ngành thép trong nước vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế.

Thứ nhất, sự phục hồi của ngành thép nội địa trong năm nay một phần vẫn xuất phát từ mức nền so sánh thấp của năm 2023, thay vì sự cải thiện rõ rệt trong nhu cầu tiêu thụ.

Thứ hai, ngành thép nước ta bị chi phối rất lớn bởi ngành thép của Trung Quốc. Hiện quốc gia này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thừa thép và ngành công nghiệp khổng lồ của nước này đang trên đà thoái trào, giá thép liên tục lao dốc về mức đáy nhiều năm. Do đó, nước ta khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực. Hơn thế, việc nước này liên tục đẩy mạnh xuất khẩu thép giá rẻ có thể khiến các doanh nghiệp nội địa đối mặt với nguy cơ mất thị phần.

Trông chờ vào đầu tư công?

Theo đánh giá mới đây của SSI Research, nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024 trong bối cảnh thị trường bất động đã có sự phục hồi đáng kể với số lượng căn mở bán mới trong năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm 2023.

Theo VSA, bước sang năm 2025, ngành thép có thể chứng kiến sự gia tăng tiêu thụ thép trong nước nhờ vào các dự án lớn của Chính phủ và đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Việc đẩy mạnh các chương trình phát triển hạ tầng như xây dựng các tuyến cao tốc, sân bay, đường sắt và các khu đô thị thông minh sẽ tạo ra nhu cầu thép lớn cho ngành xây dựng.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về thép. Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn, gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Đông - Tây; các sân bay và cảng biển trọng điểm như Cảng Cần Giờ tại TP. Hồ Chí Minh, Cảng Nam Đồ Sơn tại Hải Phòng; dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam…

Theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi 1,2% trong năm 2025 sau khi giảm 0,9% trong năm 2024.

Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN, dự kiến sẽ tăng từ 2% đến 3,5% so với cùng kỳ do kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, xuất khẩu thép có thể đối mặt với nhiều áp lực hơn từ chính sách bảo hộ trên toàn cầu.

Ngoài ra, việc các thị trường quốc tế như Mỹ, EU và ASEAN dần phục hồi sau đại dịch cũng tạo ra cơ hội xuất khẩu cho các DN thép Việt Nam. Mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia sản xuất thép lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản nhưng với chất lượng thép ngày càng được cải thiện, cộng với lợi thế chi phí sản xuất thấp, thép Việt Nam vẫn có cơ hội gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, bài toán đầu tư vào công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường đòi hỏi một khoản chi phí lớn không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng tài chính. Hiện nhiều doanh nghiệp thép đã ứng dụng công nghệ sản xuất sạch và mở rộng xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị ngành thép. Tuy vậy vẫn cần tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện các giải pháp phát triển xanh để đối phó với những thách thức.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, năm 2025, áp lực từ các quy định về bảo vệ môi trường dự kiến tăng lên, yêu cầu ngành thép phải chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh và bền vững. Các doanh nghiệp lớn cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Việc áp dụng công nghệ xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn giúp tiết kiệm chi phí dài hạn, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường năng lực cạnh tranh. doanh nghiệp cũng có thể tận dụng cơ hội từ việc phát triển các sản phẩm thép xanh để thu hút các dự án xây dựng bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2024, Việt Nam thu về 8,75 tỷ USD từ việc xuất khẩu 12,16 triệu tấn sắt thép, tăng 10,4% về kim ngạch và 15,8% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu sắt thép năm 2024 có thể đạt 9 tỷ USD và tiến gần mốc 11 tỷ USD từng đạt được.

Duy Anh
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường thép