Mưa lũ miền Trung: Không để dân đói, tính mạng của người dân phải đặt lên hàng đầu
Báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến 16 giờ ngày 12/10, mưa lũ đã làm 5 người chết, 1 người mất tích, 7 người bị thương.
Đợt lũ này, có gần 63 ngàn nhà bị ngập; trong đó, những địa phương có nhiều nhà bị ngập như: huyện Phong Điền (13.003 nhà), huyện Quảng Điền (16.228 nhà), thị xã Hương Trà (11.279 nhà). Đến nay, toàn tỉnh có 332 ha hoa màu,150 ha sắn, 1 ha cây ăn quả, 10 ha đất trồng hoa và 10.000 chậu hoa các loại bị thiệt hại.
Do ảnh hưởng của triều cường làm cho bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10km tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (Phú Lộc) , Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (Phú Vang), Hải Dương (T.X Hương Trà)...
Bờ sông Hương, đoạn qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m; Tuyến đê Nho Lâm – Nghĩa Lộ đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền bị sạt lở mái nhiều vị trí với chiều dài khoảng 300m. Ngoài ra, còn thiệt hại lớn về thủy sản, chăn nuôi; nhiều công trình thủy lợi; sạt lở nhiều tuyến đường ở vùng núi, nhiều nhà cửa bị hư hỏng…
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm và trao quà cho người dân ảnh hưởng bởi lũ lụt |
Tính đến chiều 12/10, toàn tỉnh đã di dời 11.608 hộ với 35.435 khẩu do ngập lụt; nguy cơ sạt lở đất. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo xuất cấp mỳ tôm từ dự trữ lương thực phòng chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho hộ di dời phòng tránh mưa lũ trên địa bàn các huyện và thị xã với tổng số 25.000 thùng mỳ tôm.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của lực lượng vũ trang, lực lượng các địa phương… để hạn chế thấp nhất những tác động của mưa lũ.
Theo ông Thọ, việc điều tiết hồ đập trong những ngày qua là phù hợp, đảm bảo an toàn cho người dân vùng. Những kinh nghiệm đối phó với mưa lũ trong thời gian qua là cơ sở để tỉnh chỉ đạo làm tốt hơn công tác phòng chống với mưa lũ.
“Nhiệm vụ đặt lên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Giao thông quốc lộ 1A qua đoạn Tứ Hạ - An Lỗ - huyện Phong Điền ( Thừa Thiên Huế) bị tê liệt do mưa lũ - Ảnh Giang Phú Lộc |
Tại Quảng Trị, theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến chiều 12/10, mực nước lũ trên địa bàn vẫn đang dâng cao đã khiến gần 41.000 nhà dân bị ngập sâu trong nước. Nhiều tài sản giá trị của người dân bị cuốn trôi, cây trồng, vật nuôi bị chết hoặc hư hỏng.
Bên cạnh đó, các khu dân cư bị chia cắt, cô lập đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm nghiêm trọng. Trước tình hình trên, các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp, trong đó tập trung phương châm "4 tại chỗ" để hỗ trợ người dân.
Con số thống kê cho thấy, lũ lụt cũng đã khiến 7 người chết, 6 người mất tích, 3 người bị thương. Để kịp thời hỗ trợ, sẻ chia với bà con người dân vùng lũ, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động tối đa phương tiện, lực lượng đến những khu vực chia cắt bởi nước lũ để cung cấp mỳ tôm, nước uống, thuốc men cho bà con.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh đã có công điện khẩn về các địa phương chủ động triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn; chỉ đạo kích hoạt tất cả các hệ thống phát thanh ở vùng nông thôn để tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, không được chủ quan trước mưa lũ.
Nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung cứu người. Để đảm bảo tính mạng của nhân dân, tỉnh đã huy động tối đa các lực lượng di dời người dân ở những vùng thấp trũng, ngập lụt, sạt lở, vùng có nguy cơ cao về nơi an toàn; hỗ trợ thuốc men, lương thực, thực phẩm không để bà con đói rét.
Các cơ quan, ban ngành tỉnh Quảng Bình trao quà cho người dân TDP Cồn Két của phường Quảng Thuận Thị xã Ba Đồn bị mưa lũ ngập lụt |
Tại Quảng Bình, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh: Từ ngày 12/10 đến hết ngày 14/10/2020, khu vực Quảng Bình tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 350mm, có nơi lớn hơn 400mm.
Như vậy, nguy cơ nước sông tiếp tục dâng cao, lũ chồng lũ đang cận kề, người dân vùng chiêm trũng lại sẵn sàng tinh thần bước vào cuộc chống chọi mới với mưa lũ.
Cùng đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh cho hay, đến ngày 12/10, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 2.721 nhà đang bị ngập trong nước lũ (trong đó huyện Quảng Ninh còn 1.221 nhà bị ngập, huyện Lệ Thủy còn 1.500 nhà bị ngập).
Nhằm đảm bảo công tác ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai hiệu quả, thông suốt, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, các địa phương đã kiện toàn lực lượng, xây dựng phương án phòng chống, chủ động nhân lực, vật lực, ký hợp đồng với các chủ phương tiện để huy động khi cần thiết.
Nhằm kịp thời chia sẻ và động viên người dân vùng lũ, những ngày qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Mặt trận, đoàn thể và các đơn vị đã thăm hỏi, trao tặng nhu yếu phẩm thiết yếu và tiền hỗ trợ các địa phương vùng lũ khắc phục khó khăn ban đầu.
Dự báo thời tiết trong những ngày tới tiếp tục có mưa vừa, mưa to, lũ trên các sông ở Quảng Bình sẽ dâng cao. Tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tiếp tục triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.