Miền Trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển
Tại Quảng Bình, ngày 15/6/2017, UBND tỉnh đã tổ chức họp hội đồng bồi thường thiệt hại sự cố ô nhiễm môi trường biển. Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 62/65 xã đã được phê duyệt bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 2.236 tỷ đồng, giải ngân 2.145 tỷ đồng, đạt gần 92% kinh phí cấp tạm ứng. Đối với số hải sản tồn kho trên 2.590 tấn, tính đến ngày 14/6/2017, các địa phương đã giải ngân được hơn 38,780 tỷ đồng trên tổng số gần 54,610 tỷ đồng. Ngoài việc đảm bảo việc chi trả bồi thường đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Bình còn yêu cầu các đơn vị liên quan không để phát sinh những tồn tại, vướng mắc, hỗ trợ đúng đối tượng bị thiệt hại, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa ra quyết định tạm cấp (đợt 4) chi trả bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển là 270,504 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển được tỉnh Thừa Thiên Huế tạm cấp trong cả 4 đợt là trên 950 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, tỉnh sẽ tập trung tổ chức chi trả tiền bồi thường thiệt hại do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển trước ngày 30/6/2017. Được biết, tính đến nay, tiến độ chi trả bồi thường tại Thừa Thiên Huế trong 3 đợt đạt gần 95% (642,9 tỷ đồng/680 tỷ đồng tạm cấp). Với đợt 4 này số tiền hơn 270 tỷ đồng tạm cấp được phân bổ: huyện Phong Điền 33,161 tỷ đồng; huyện Quảng Điền 55,621 tỷ đồng; thị xã Hương Trà 14,950 tỷ đồng; huyện Phú Vang 101,803 tỷ đồng và huyện Phú Lộc 64,969 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo, sự cố môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 500.000 người dân, với khoảng 130.000 hộ gia đình. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển do Fomosa gây nên qua phê duyệt từ 4 tỉnh thành, Chính phủ đã tạm cấp 3 lần với khoảng 5.290 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/5/2017, các tỉnh đã chi trả cho người dân đạt 84,1% số kinh phí tạm cấp. Mở rộng đối tượng được bồi thường, ngày 25/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp lần 4 với 1.500 tỷ đồng kinh phí bồi thường thiệt hại cho 4 tỉnh nhằm quyết tâm kết thúc giai đoạn thống kê, xác định, chi trả tiền bồi thường thiệt hại để chuyển sang giai đoạn triển khai, thực hiện các đề án.
Sau hơn một năm bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, tình hình môi trường biển trên địa bàn 4 tỉnh đã ổn định. Các địa phương ven biển đã khôi phục các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Như tỉnh Thừa Thiên Huế, số lượng tàu cá có công suất lớn trên 400CV đánh bắt xa bờ tăng 30 chiếc (10%) so với thời kỳ trước khi có sự cố môi trường biển. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 17.736 tấn, tăng 15,43% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 2.707 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác đạt 14.420 tấn, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài việc đảm bảo hoàn thành việc chi trả bồi thường đúng tiến độ, 4 tỉnh miền Trung cũng khẩn trương rà soát cấp thẻ bảo hiểm cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2017-2018; thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, phổ thông và sinh viên đại học các vùng bị ảnh hưởng; hoạt động cho vay, khoanh nợ hỗ trợ ngư dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề... Đồng thời vẫn tiếp tục các hoạt động quan trắc kiểm soát môi trường biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám: Sau 4 đợt chi trả, Thủ tướng đã tạm cấp cho 4 tỉnh với tổng số tiền là 7.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/5, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã giải ngân được 4.599 tỷ đồng. Ngoài ra, 4 tỉnh miền Trung đã tiêu huỷ hoàn toàn 1.125 tấn hải sản lưu kho không bảo đảm an toàn thực phẩm. Với hàng hải sản lưu kho bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương và chủ hàng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ. |