Mã định danh điện tử có thể thay thế những giấy tờ gì?
Thời gian qua, Báo Công Thương nhận được một số thắc mắc của bạn đọc về tài khoản định danh điện tử. Cụ thể như tài khoản định danh điện tử là gì, ai được cấp tài khoản định danh điện tử, tài khoản định danh điện tử có thể dùng để thay thế các loại giấy tờ gì…
Thông tin về vấn đề mã định danh điện tử có thể thay thế những giấy tờ nào, đại diện Bộ Công an cho biết, tài khoản định danh điện tử có thể được hiểu là phương thức quản lý thông tin Căn cước công dân hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng. Mục đích nhằm thực hiện các dịch vụ công mà không cần phải xác minh lại thông tin cá nhân của người đó.
Tài khoản định danh điện tử có thể được hiểu là phương thức quản lý thông tin Căn cước công dân hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng |
Các loại giấy tờ được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, gồm:
Căn cước công dân gắn chip: Tài khoản định danh điện tử có thể dùng thay Căn cước công dân gắn chip khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính.
Thẻ bảo hiểm y tế: Thay thế thẻ Bảo hiểm y tế cứng, vật lý.
Thông tin hiển thị của thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID sẽ được xác thực và truy xuất từ cơ sở dữ liệu Bảo hiểm y tế Việt Nam, giúp công dân có thể sử dụng khi khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm, không cần trình thẻ Bảo hiểm y tế truyền thống.
Thông tin đăng ký xe, giấy phép lái xe: Các thông tin hạng Giấy phép lái xe, đăng ký xe trên VNeID được liên thông, xác thực với cơ sở dữ liệu về giao thông vận tải. Người dân và cơ quan chức năng có thể sử dụng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe.
Thông tin về người phụ thuộc, người giám hộ. Thông qua tài khoản định danh điện tử, công dân khai báo lưu trú mà không phải liên hệ qua cơ quan công an.
Bên cạnh đó, VNeID cung cấp kênh chính thống hỗ trợ người dân trong việc tố giác tội phạm với cơ quan công an một cách an toàn, bảo mật, không lộ thông tin.
Bộ Công an cũng thông tin rằng, dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng; khi người dân đăng ký truy cập, dữ liệu mới được hiển thị lên ứng dụng. Do đó, hacker khó có thể truy cập vào thiết bị để đánh cắp thông tin.
Khi cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ, người dân phải thực hiện việc cấp quyền kiểm tra, mới có thể xem được thông tin. Các bên như ngân hàng, ví điện tử, bảo hiểm muốn sử dụng dữ liệu phải được chủ tài khoản đồng ý.