Thứ hai 18/11/2024 03:12

Lực lượng vũ trang chung tay khắc phục hậu quả sau mưa lũ

Được sự giúp đỡ tận tình của lực lượng vũ trang Quân khu 2, cuộc sống của người dân vùng lũ các tỉnh miền núi phía bắc đang dần ổn định trở lại.

Thiệt hại khá nặng nề về người, tài sản

Những ngày qua, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc lại phải hứng chịu đợt mưa lũ mới với những thiệt hại khá nặng nề về người, tài sản. Chỉ sau hơn 1 tháng, cơn bão số 2 gây ra tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Sơn La chưa nguôi ngoai thì những ngày qua, quân và dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc lại tiếp tục hứng chịu sự tàn phá kinh hoàng của cơn bão số 3 (bão Yagi), gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316, Quân khu 2 tìm kiếm nạn nhân tại Làng Nủ. Ảnh: Ngọc Tân

Cơn bão số 3 thổi bay hoa màu, nhiều nhà cửa, công trình, tài sản... của Nhà nước và nhân dân tại các tỉnh, thành miền Bắc. Nghiêm trọng hơn, khi cơn bão đi qua đã tạo ra hoàn lưu gây mưa lớn kéo dài, làm ngập úng ở nhiều nơi; trong đó, các địa phương trên địa bàn Quân khu 2 đóng quân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cụ thể, những đợt mưa đã làm mực nước trên sông Hồng, sông Thao, sông Lô, sông Phó Đáy.. tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Vĩnh Phúc liên tục dâng cao, gây ngập úng trên diện rộng. Đặc biệt hơn, mưa lớn đã gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên,… Trong đó, nghiêm trọng nhất tại Lào Cai, mưa lũ, sạt lở đất đã làm chết 118 người, 50 người mất tích (trong đó nhiều gia đình không một ai còn sống); Yên Bái 53 người chết, 1 người mất tích. Mưa lũ cũng gây ngập úng tại nhiều địa phương như: Hạ Hoà (Phú Thọ); Lập Thạch (Vĩnh Phúc)…

Tại Phú Thọ, do lũ từ thượng nguồn đổ về, làm cho cây cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối liền 2 huyện Lâm Thao và Tam Nông bị đổ sập, khiến nhiều người và phương tiện bị rơi chìm dưới dòng sông chảy xiết đến nay vẫn chưa xác định được cụ thể số phương tiện và số người bị nạn. Cùng với đó, cây cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô nối TP. Việt Trì (Phú Thọ) với huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) vừa được khánh thành cách đây một năm cũng bị nhiều phương tiện xà lan, tàu thuyền trôi dạt từ thượng nguồn đổ về mắc kẹt dưới gầm cầu gây hư hại. Rất may là lực lượng công binh của Quân khu 2 đã kịp thời phối hợp, xử lý bảo đảm an toàn, đưa hoạt động lưu thông của người dân trở lại bình thường.

Còn tại Tuyên Quang, mưa lớn cũng gây ngập úng tại các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, toàn bộ TP. Tuyên Quang và làm vỡ đê sông Lô tại địa bàn xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương.

Ấm áp tình quân dân

Được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2, cuộc sống của người dân vùng lũ đang dần ổn định trở lại.

Các cán bộ chiến sĩ tại hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Át, xã Minh Luân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hoàng Toàn

Ngay sau khi được tin mưa lũ, vỡ đê, sập cầu, sạt lở đất xảy ra ở các địa phương, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, khẩn trương sơ tán người và tài sản của người dân ra khỏi nơi ngập lụt, sạt lở đến vị trí tránh trú an toàn; tổ chức các đoàn công tác do Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và chỉ huy các cơ quan Quân khu chủ trì tới kiểm tra, chỉ đạo các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả; phối hợp tiếp nhận, vận chuyển hàng cứu trợ tới người dân vùng lũ.

Đặc biệt trong các sự cố sập cầu Phong Châu và lũ quét, sạt lở đất tại Làng Nủ, Lào Cai, những cán bộ chiến sĩ Quân khu 2 đã nhanh chóng có mặt tổ chức thành lập Sở chỉ huy tiền phương ngay tại hiện trường do đồng chí Tư lệnh Quân khu trực tiếp chỉ huy các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, trong vụ sạt lở đất ở thôn Làng Nủ, Quân khu đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 316, tổ chức cơ động ngay trong đêm, mở đường đưa lực lượng vào tìm kiếm các nạn nhân.

Đại uý Trần Văn Nam, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316) xúc động: Sau nhiều ngày cùng với bộ đội tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại Hạ Hoà (Phú Thọ) cũng như những ngày tìm kiếm các nạn nhân ở thôn Làng Nủ, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của thủ trưởng các cấp và sự tin tưởng, yêu quý của người dân.

“Chứng kiến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân khu và chính quyền địa phương đội mưa, lội nước xuống tận hiện trường những nơi ngập úng, sạt lở để kiểm tra, chỉ đạo, thăm hỏi, động viên các lực lượng và người dân, khiến chúng tôi càng thêm tự tin, xác định tốt nhiệm vụ, quyết tâm cùng nhân dân vượt qua mưa lũ, ổn định cuộc sống bình thường”, Đại uý Trần Văn Nam nhấn mạnh.

Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đã cùng với nhân dân dọn dẹp hàng nghìn mét khối bùn đất, rác trên các tuyến đường, tại các hộ dân, để nhân dân trên địa bàn sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Bên cạnh sự giúp đỡ của Quân khu 2, những ngày vừa qua, bộ đội Phòng không Lữ đoàn 297 đã triển khai nhiều lực lượng, phương tiện, cơ động đến nơi “rốn lũ”. Không quản hiểm nguy dầm mình trong dòng nước xiết với mong muốn giúp người dân hạn chế thấp nhất rủi ro và thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Sau 15 ngày tìm kiếm các nạn nhân mất tích, gần 400 chiến sĩ quân đội rút khỏi thôn Làng Nủ nhận nhiệm vụ mới

Chị Nguyễn Thuý An, ở phường Minh Tân, TP. Yên Bái chia sẻ: Mực nước lũ dâng lên nhanh quá làm ngôi nhà của tôi ngập sâu đến hơn 3 mét. Mọi đồ đạc của gia đình tôi phần lớn đều đã hỏng hết. Nước lũ vừa rút để lại lớp bùn non đặc quánh dày hơn 30 cm trong căn nhà nhỏ. Nhà chỉ có hai mẹ con, gia đình chị An là một trong những hộ đầu tiên được cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 297 giúp vận chuyển, kê dọn đồ đạc, gạt bùn đất…

“Nếu không có các chú bộ đội đến ứng cứu, hỗ trợ giúp đỡ bà con chúng tôi thì bà con chúng tôi không biết xoay xở thế nào. Dầm mình trong nước lũ giúp bà con vận chuyển vật dụng sinh hoạt, gia súc, gia cầm, những lúc như thế này chúng tôi cảm thấy thấm thía câu nói: “quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”, chị An trải lòng.

Nhờ có sự giúp đỡ của những “anh Bộ đội Cụ Hồ” mà đã có nhiều đoạn đường được thông xe; hàng ngàn ngôi nhà được gia cố vững chắc; hàng trăm phòng học, ngôi nhà được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ để giúp người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống. Từ những sự đóng góp, cố gắng của các lực lượng vũ trang và tình đoàn kết quân dân bền chặt chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực cho người dân vùng lũ vực lên, đứng dậy sau thiên tai.

Đức Lâm
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Quốc phòng

Tin cùng chuyên mục

Không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn 100% khi khám sức khỏe lái xe

Bão Manyi sắp vào Biển Đông, Bộ NN&PTNT chỉ đạo ứng phó

Thêm cơ sở để áp thuế VAT 5% với phân bón

Lễ trao tặng danh hiệu 'Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú': Tôn vinh những 'người gieo chữ'

Giải Golf Suntory PepsiCo gây quỹ gần 3 tỷ đồng cho bệnh nhi ung thư

Đà Nẵng: Tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu và học sinh 3 tốt, 3 rèn luyện

Khách hàng TP. Hồ Chí Minh trúng Vietlott Mega 6/45 gần 46 tỷ đồng

Thanh Hóa tổ chức cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc

Nhân sự địa phương: Hà Nội, Nam Định bổ nhiệm cán bộ; tân Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An là ai?

Thời tiết biển hôm nay 17/11/2024: Có gió mạnh sóng lớn và mưa dông

Thời tiết hôm nay 17/11/2024: Chiều tối và đêm nay các tỉnh Miền Bắc trời trở rét

Cập nhật thông tin về siêu bão Man-yi: Dự báo trở thành cơn bão số 9

Dự báo thời tiết hôm nay 17/11/2024: Bắc Bộ sáng sớm có sương mù

Cảnh giác khi mua đá thiên thạch trên không gian mạng

Ra mắt chuyên trang và trao giải cuộc thi giải pháp cải cách hành chính Thành phố Hà Nội năm 2024

Quảng cáo thổi phồng 'trị đái tháo đường bằng 1 liệu trình' lừa dối người bệnh

Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh trao bằng tốt nghiệp cho 2.245 tân thạc sĩ, kỹ sư và cử nhân

Bàn giao chức trách, nhiệm vụ Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân

Không khí lạnh sắp tràn về, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nơi dưới 15 độ C

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội công bố các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc gia, quốc tế