Thứ tư 01/01/2025 21:28
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV

Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Lấy doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm

Sáng ngày 13/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành trên 91%. Đây là luật được đánh giá có nhiều điểm mới, tiến bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Ghi nhận tại các phiên thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội và trên hội trường cho thấy, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự thảo luật này, cho rằng, luật sửa đổi có nhiều nội dung tiến bộ, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Theo đó, nhiều đại biểu chỉ ra rằng, dự thảo luật đã bổ sung thêm quyền cho người nộp thuế, từ 10 quyền như luật hiện hành lên 12 quyền trong luật sửa đổi. Hai quyền này, gồm: người nộp thuế được hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; và, được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn.

Cùng đó, người nộp thuế không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định như vậy sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, giúp hạn chế sai sót, nhầm lẫn trong xác định số thuế phải nộp của doanh nghiệp.

Ngoài nội dung này, ghi nhận từ các cuộc thảo luận cũng cho thấy, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá quy định “Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố kết luận thanh tra, kiểm tra thuế” Và “Trường hợp khai bổ sung làm tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được miễn, giảm thuế, người nộp thuế, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp đủ số thuế còn thiếu, tiền chậm nộp”. Đặc biệt, với trường hợp này, doanh nghiệp sẽ không bị cơ quan quản ý thuế xử phạt về hành vi khai sai, nhưng phải nộp bổ sung 10% trên số tiền thuế khai thiếu.

Quy định này không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế có cơ hội sửa chữa, bổ sung số thuế phải nộp, phản ánh lại đúng các giao dịch kinh tế phát sinh và giúp hạn chế được tình trạng người nộp thuế, doanh nghiệp bị “oan” trong quá trình thực thi các nghĩa vụ về thuế.

Cùng đó, những quy định mới trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng được đánh giá là bám sát chủ trương cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Điển hình như quy định, cho phép các đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo quy định này, các doanh nghiệp có thể thông qua đại lý thuế, các công ty làm dịch vụ về kế toán để kê khai thuế, giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhân công, chi phí và đảm bảo tính chính xác, kịp thời của hồ sơ thuế .

Hơn thế, dự thảo cũng quy định người nộp thuế không phải tính chậm nộp, không phải kê khai bổ sung thuế trong trường hợp cơ quan quản lý thuế cấp dưới ra quyết định xử phạt không đúng… Quy định này giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp khi thời điểm cuối năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp, tổ chức phải hoàn thiện rất nhiều hồ sơ, dễ dẫn đến sai sót, chậm tiến độ hoàn thiện hồ sơ thuế.

Trường hợp nào được xóa nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt

Trong phiên họp sáng nay, trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có nội dung được các doanh nghiệp, người nộp thuế rất quan tâm, là những trường hợp được xoá nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Theo Báo cáo, trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng, Điều 85 quy định về điều kiện để xóa nợ, trong khi các khoản xóa nợ 5 tỷ, 10 tỷ, 15 tỷ đều tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã, nhưng dự thảo Luật chỉ quy định Chủ tịch UBND tỉnh quyết định sau khi có doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà không quy định về mức tiền được xóa. Đối với hộ kinh doanh được xóa sau 10 năm nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không thấy quy định thời hạn bao nhiêu năm xóa hay đủ điều kiện phá sản là đủ điều kiện được xóa nợ ngay.

Qua tổng hợp ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, Điều 85 dự thảo Luật quy định xóa nợ đối với 3 đối tượng: (1) doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế (tại khoản 1 Điều 85); (2) cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp thuế (tại khoản 2 Điều 85); (3) các khoản tiền thuế nợ đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi (tại khoản 3 Điều 85).

Trong đó, đối với doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản thể hiện tại khoản 1 Điều 85 và đối với cá nhân thể hiện tại khoản 2 Điều 85 của Luật Phá sản, tại dự thảo Luật quy định thẩm quyền xóa nợ quy định giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh nên trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản không quy định khoản nợ phải quá 10 năm và cũng không quy định mức tiền xóa nợ (không giới hạn về mức tiền xoá nợ).

Còn đối với khoản nợ của doanh nghiệp đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi (tại khoản 3 Điều 85), dự thảo Luật quy định thẩm quyền xóa nợ như sau: (1) dưới 5 tỷ đồng giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh; (2) từ 5 đến 10 tỷ đồng giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; (3) từ 10 đến 15 tỷ đồng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính và (4) trên 15 tỷ đồng giao Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, UBTVQH đề nghị cho phép giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm 17 chương và 152 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Riêng các quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.
Hoàng Châu - Lan Anh
Bài viết cùng chủ đề: Đại biểu Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu Quốc hội: Ngành Công Thương đạt nhiều dấu ấn

Thi hành kỷ luật 68 cán bộ diện Trung ương quản lý

Quy định mới với người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc từ 1/1/2025

Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư

10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2024

Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Bộ Công Thương năm 2025

Thủ tướng: Mở rộng thị trường xuất khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp

Đảng bộ Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2024

Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân: Thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp

Việt Nam - Lào: Nhất trí tiếp tục tạo đột phá trong hợp tác kinh tế

Thủ tướng: Sắp xếp bộ máy Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không để gián đoạn công việc

Tổng Bí thư Tô Lâm: Văn nghệ sỹ - đội quân văn hóa của Đảng

Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Lào

Công tác lập pháp là điểm nhấn quan trọng trong năm 2024

Tổng Bí thư trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Ủy ban Dân tộc sau sắp xếp phải sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đội ngũ trí thức cùng đất nước tiến bước

Thành phố Huế chính thức trực thuộc Trung ương