Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ mới là vấn đề hàng đầu
Luật hóa nhiều nội dung tăng cường quản lý
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội - bà Nguyễn Thúy Anh - cho biết, so với pháp luật hiện hành, dự thảo Luật đã luật hóa hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội - bà Nguyễn Thúy Anh - phát biểu tại Quốc hội |
Cụ thể, dự thảo Luật quy định về quản lý việc kinh doanh rượu, bia theo hướng quản lý rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh để có thể quản lý được việc lưu hành của sản phẩm này trên thị trường và bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ thông qua việc giao Chính phủ quy định cụ thể; không cấm bán rượu, bia trên Internet mà chỉ quy định điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; quy định cụ thể hơn về việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.
Dự thảo Luật quy định độ tuổi được mua rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia, địa điểm không bán rượu, bia và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý cơ sở có địa điểm không uống, không bán rượu, bia và người đứng đầu cơ quan, tổ chức và gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cùng với đó, dự thảo luật quy định các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia, trong đó quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải thực hiện các biện pháp để người điều khiển phương tiện không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; quy định về phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, các bệnh có liên quan đến sử dụng rượu, bia; tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.
Tiếp tục góp ý để hoàn thiện
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên), đối với Dự án Luật phòng chống tác hại rượu bia từ thực tế thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu đối với nhóm trẻ em, điều đại biểu băn khoăn là các nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật mới nhất, liệu đã đủ tạo nên rào cản vững chắc để giải quyết vấn đề ưu tiên “thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên” như đã nêu trong Điều 3 hay chưa?
Theo đại biểu, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; và kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.
Mặt khác, lý do “đồ uống có cồn” đã không được đưa vào dự luật chỉ vì đây là “cụm từ chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội” như báo cáo giải trình. Đại biểu cho rằng đó là căn cứ khá yếu về mặt pháp lý. “Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của dự luật lần này, so với xu thế chung đã gần như đi ngược với khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người, vô tình xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng nhưng có vẻ chủ ý bắt nhịp kịp thời với sự phát triển nhanh, mạnh của nền công nghiệp rượu bia”- đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội- cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức nước ngoài có văn bản góp ý về dự luật; Ủy ban Đối ngoại cũng tổ chức tọa đàm với một số tổ chức trong, ngoài nước. Liên quan đến quy định cấm quảng cáo và bán rượu, bia trên Internet, "họ nói rằng không nên coi đó là vi phạm vì Internet chỉ là công cụ kinh doanh". "Trong khi người ta kinh doanh mặt hàng được phép, đúng pháp luật thì tại sao lại đưa ra quy định cấm? Chúng tôi thấy cần cân nhắc thấu đáo trước khi đưa ra (quy định cấm bán rượu, bia trên Internet) vào luật, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã, đang và sẽ ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước"- ông Cương lý giải.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) lập luận rằng, nhiều đại biểu đang coi ngành sản xuất rượu, bia là tội đồ, trong khi hàng năm ngành này đóng hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người. Ông Xuyền thừa nhận việc lạm dụng rượu bia ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, nhưng không nên phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa của ngành sản xuất này.
Đồng tình với đại biểu Bùi Văn Xuyền, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhận định, nhiều đại biểu đang tiếp cận dự luật sai vì đối với rượu, bia phải tiếp cận từ góc độ văn hoá. "Rượu, bia là văn hoá tại sao lại mang nó lên đoạn đầu đài? Đây là luật cần ban hành, cần nhận thức tác hại, mặt trái của nó, thậm chí có chế tài nặng hơn, nhưng phải coi năng lực quản lý, kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ mới là vấn đề hàng đầu, ông Dương Trung Quốc cho ý kiến.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. |
Thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dự luật lần này đã tiếp thu gần như toàn bộ ý kiến góp ý trước đó. Quá trình soạn thảo luật đã qua gần 2 nhiệm kỳ của Quốc hội do những ý kiến khác nhau, đến giai đoạn này, hầu hết đại biểu đồng thuận với những nội dung chính.
"Đến nay đã có 155 nước trên thế giới có luật này, có nước điều chỉnh lần thứ hai. Vì thế, ban soạn thảo mong luật sớm được ban hành, và xin tiếp thu theo hướng không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn phải đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp rượu, bia"- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin.