Lo ngại nguồn cung thiếu hụt, giá đường liên tục bị đẩy lên cao
Theo đó, đường 11 đã tăng đến 3,95% và đường trắng tăng 2,62%. MXV cho biết, lo ngại thiếu hụt nguồn cung đường trên toàn cầu cùng khả năng cấm xuất khẩu đường của Ấn Độ là nhân tố chính hỗ trợ giá.
El Nino khiến khu vực sản xuất nguyên liệu cho ngành công nghiệp mía đường tại các quốc gia cung ứng chính như Thái Lan, Ấn Độ không thể hoạt động với năng suất tối đa, kéo theo sản lượng được dự đoán có sự giảm mạnh. Sản lượng ở mức thấp trong khi nhu cầu ổn định khiến giới chuyên gia lo ngại cán cân cung – cầu đường toàn cầu sẽ thâm hụt trong niên vụ 2023/24.
Đặc biệt, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét hạn ngạch xuất khẩu đường dựa trên ước tính sản lượng vụ mới. Do vậy, việc nguồn cung tiêu cực sẽ làm gia tăng lo ngại không xuất khẩu đường từ quốc gia cung ứng đường lớn thứ 2 thế giới.
Nguồn cung đường trên thế giới càng ảnh hưởng khi mới đây, Ủy ban Điều phối Kinh tế Pakistan (ECC) đã phê duyệt lệnh cấm xuất khẩu đường sau khi giá đường tăng lên mức kỷ lục 170 Rs/kg tại thị trường nội địa.
Đồng thời, tại Brazil – quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, việc ban hành thuế xăng dầu của Brazil đã khiến cho nguồn cung đường trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực do các nhà sản xuất chuyển hướng sang xăng sinh học thay vì chế biến đường mía phục vụ cho xuất khẩu.
Tại Việt Nam, giá bán đường của các nhà máy sản xuất đường trong quý 2 của năm 2023 cũng đã tăng 10% so với tháng 1/2023, ở mức bình quân 20.000 đồng/kg đối với đường tinh luyện. Rất hiếm năm nào ngành mía đường Việt Nam đạt được lợi nhuận cao như năm nay.
Giá đường của các nhà máy trong nước liên tục tăng |
Do ảnh hưởng từ giá đường thế giới, từ tháng 8, giá đường Việt Nam liên tục tăng. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, vào đầu tháng 8/2023, giá đường trong nước đã đạt từ 20.000 - 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối tháng 8/2023, nhiều doanh nghiệp đã nâng giá bán đường lên thêm 4.000-5.000 đồng/kg, đạt ngưỡng 25.000 đồng/kg, thậm chí có công ty công bố giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg.
Trước thực trạng giá đường tăng cao, mới đây, ngành thực phẩm có công văn gửi Bộ Công Thương kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn, do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời đề xuất hàng năm Bộ Công Thương thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan vào tháng 9, với lượng tối thiểu theo cam kết WTO là 119.000 tấn.
Về vấn đề này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh các quy định đấu thầu hạn ngạch thuế quan để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hóa hình thức đấu giá, bảo đảm kết quả đấu giá phân giao phù hợp với các yêu cầu của Luật Cạnh tranh và Luật Đấu thầu.
Sau khi thực hiện khối lượng đấu giá 119.000 tấn, nếu có dấu hiệu giá đường tăng do thiếu nguồn cung hoặc hiện tượng găm hàng tăng giá khiến giá đường vượt qua mức giá hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam sẽ nhận trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023 trước khi vào vụ ép 2023-2024.
Thời điểm này ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023 – 2024, thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía – đường. Theo quan điểm của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá bán đường tại kho của các nhà máy nên ở mức 20.000-22.000 đồng/kg là hợp lý...