Lành mạnh hóa kinh doanh đa cấp - Kỳ I: Đi vào khuôn khổ
Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Internet |
Hoạt động kinh doanh đa cấp thời gian gần đây đang dần đi vào khuôn khổ khi Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT - Bộ Công Thương) liên tục thông báo về việc các công ty bán hàng theo phương thức đa cấp phải dừng/tạm dừng hoạt động do không đủ điều kiện.
Chỉ trong thời gian ngắn, Cục QLCT đã liên tiếp thông báo về việc chấm dứt/tạm ngừng hoạt động bán hàng đối với 5 doanh nghiệp (DN) đa cấp do chưa đủ điều kiện, giấy phép hết hiệu lực, làm ăn thua kém, hoặc tự xin phá sản do hoạt động không hiệu quả. Cụ thể, ngày 4/3, Cục QLCT đã thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty TNHH Thương mại Tiến Thịnh Phát. Ngày 6/3, Công ty TNHH My Fortuna và Công ty Cổ phần Queenet quốc tế cũng bị chấm dứt hoạt động BHĐC. Sau đó một ngày, Công ty Cổ phần nhượng quyền thương mại quốc tế G10 và Công ty TNHH MTV Gano Excel Việt Nam (lầu 3, tòa nhà Lữ Gia Plaza, 70 Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP. Hồ Chí Minh) cũng có thông báo tạm ngừng hoạt động.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục QLCT - thời gian qua, hoạt động BHĐC đã có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Trong các vi phạm phổ biến có hoạt động lợi dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính. Thậm chí nhiều DN chưa được cấp Giấy chứng nhận BHĐC nhưng vẫn lén lút hoạt động để huy động người tham gia thu lợi bất chính.
Siết quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp |
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý hoạt động BHĐC, trong đó, Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC đã mang lại nhiều kết quả tích cực và đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh này. Bên cạnh đó, Cục QLCT cũng thực hiện công tác tuyên truyền cảnh báo tới người dân, trong Luật Cạnh tranh và các văn bản đã có hướng dẫn thi hành cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ dưới mọi hình thức. Vì vậy, tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ là vi phạm pháp luật.
Bộ Công Thương đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động BHĐC trên toàn quốc. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, từ sau khi có Chỉ thị 30/CT-TTg của Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, đến nay, đã có khoảng 40 DN đa cấp bị rút giấy phép hoặc tạm ngừng do chưa đáp ứng yêu cầu về giấy phép theo quy định. |
Kỳ II: Bịt “lỗ hổng” bán hàng đa cấp