Làng tôi "gi gỉ gì gi, cái gì cũng có"!
"Lên Lan, xuống Giắng, về Hà…" một thuở và hôm nay
Năm nay, do đại dịch nên quãng nửa đầu năm, tôi không về quê được nhiều nhưng bù lại, đợt bùng phát thứ tư, tôi "trốn dịch" về quê hơn ba tháng và nhờ thế, sau gần 50 năm, tôi lại được sống với làng Giắng (Đông Tân – Đông Hưng – Thái Bình) thân yêu, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, cũng là nơi tôi viết những vần thơ đầu tiên đầy vụng dại.
Làng tôi như một cù lao bao bọc bởi các dòng sông lớn nhỏ mà con sông to nhất là dòng Diêm Hộ bốn mùa nước xanh ngăn ngắt. Làng ngày xưa nghèo lắm. Những mái tranh ẩm mốc và những con đường lầy lội vết chân trâu. Những đêm cuối năm, làng tối đen như mực, âm âm u u dưới rặng tre già. Mỗi sớm mai, tiếng gà nghe xao xác như than vãn về cái nghèo truyền kiếp.
Chẳng biết từ bao giờ đã xuất hiện câu ca đắng lòng: "Lên Lan, xuống Giắng, về Hà/Bát cơm đã hẩm, quà cà lại thâm". Lan, Giắng, Hà là ba làng nghèo nhất phủ Đông Quan thủa trước. Hình ảnh về làng Giắng xưa là những mái nhà tranh lúp xúp như úp lấy phận người. Những con đường lầy lội trì níu bước chân. Đất chật, người đông, dân làng tôi như con cò, con vạc lặn lội hết đồng cạn lại đồng sâu để kiếm sống để rồi tháng ba, tháng tám lại lang bạt xứ người. Câu ca dao "tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành" trở thành lời nguyền truyền kiếp mỗi dịp giáp hạt. Đói nghèo luôn đi kèm với dịch bệnh.
Ngày xưa, người dân làng sống chủ yếu với ao tù, nước đọng. Những cái ao nho nhỏ được đào lên để vượt nền nhà trở thành nguồn nước đa công dụng. Ăn uống, tắm rửa, giặt giũ và thả cá, trồng rau, thả bèo nuôi lợn… tất tần tật đều chung một vuông nước tù đọng này.
Nhưng giờ đây, những cảnh cơ cực đó đã không còn. Chương trình Nông thôn mới đã đưa nước sạch về với mỗi căn nhà. Nếu trước đây, người dân làng tôi xây nhà chính xong, còn chút vật liệu thừa mới làm công trình phụ thì giờ đây ngược lại, công trình phụ là thứ được ưu tiên đầu tiên.
Hôm tôi mới về "trốn dịch", lúa mới bắt đầu cấy. Những nhánh mạ mỏng manh vật vờ trên mặt nước thì chỉ khoảng 3 tháng sau, lúa đã chín vàng rộm cánh đồng. Thế nhưng cũng chỉ chừng một tuần thu hoạch, cả cánh đồng không còn một vạt lúa bởi máy móc đã thay thế sức người. Chả bù ngày xưa, dịp thu hoạch là nỗi ám ảnh khinh hoàng, nhất những lần gặt chạy bão thì giờ đây, mọi việc đều thuê và do máy móc đảm nhiệm.
Theo tính toán của cô em dâu tôi, mỗi mẫu một vụ sẽ phải chi ra các khoản mất khoảng 9,2 triệu đồng/mẫu Bắc Bộ gồm tiền công cày bừa, công cấy, công làm cỏ, công gặt và tiền phân lân, đạm, thuốc trừ sâu, thủy lợi, tiền nộp sản… khoảng 18.400 ngàn đồng/2 vụ/năm. Giá thóc tại thị trường hiện tại khoảng trên 8 triệu đồng/tấn.
Một năm 2 vụ, vụ nhiều bù vụ ít, mỗi mẫu thu hoạch khoảng 3.5 tấn X 8 triệu = 28.400 ngàn đồng – 18.400 ngàn đồng = 10 triệu đồng/năm.
Tuy lợi nhuận không cao, song nếu tính ra gạo dùng cho sinh hoạt thì hoàn toàn không phải lo vì chỉ cần bán đi hơn 2 tấn lúa sẽ đủ trang trải mọi khoản chi phí nói trên, số còn lại khoảng hơn 1 tấn - dư giả lương thực cho 4- 5 người ăn cả năm, thậm chí còn đủ dùng để chăn nuôi.
Do thời gian làm nông nghiệp rất ít, lại thuê khoán nên số ngày còn lại trong năm, nhiều người làng tôi xin vào các công ty gần nhà, số còn lại "tung hoành" các nơi xa dọc chiều dài đất nước. Theo người làng cho biết, lương 2 vợ chồng đi làm tại các công ty bình quân khoảng 15 - 18 triệu đồng/tháng.
Thóc trong bồ, cá dưới ao, gà trên sân, rau ngoài vườn cộng với lối sống tằn tiện nên mỗi tháng 2 vợ chồng, 2 đứa con cả điện nước, ăn học chỉ mất khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Do vậy, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng nên chỉ khoảng 4-5 năm là đủ tiền xây ngôi nhà khang trang ở quê. Thu nhập các năm sau dành cho mua sắm đồ đạc.
Chuyện chợ làng và đón Tết online
Do thu nhập tương đối cao nên làng tôi mỗi ngày đều có 2 phiên chợ. Đầu làng chợ sáng, cuối làng là chợ chiều. Trong chợ hàng hóa bày la liệt từ mớ rau ngoài vườn, con cá dưới ao đến những mặt hàng thời thượng khác như son phấn, túi xách, áo quần hàng hiệu.
Việc mua bán ở làng tôi không chỉ "gi gỉ gì gi, cái gì cũng có" mà vô cùng tiện lợi. Nhấc điện thoại a lô, 5 phút sau có người đem đến. Có khách khứa, bạn bè, tôi thường a lô vợ chồng chủ quán bia hơi Hạ Long (15 ngàn/ lít), nhân tiện bảo ghé qua quán bán hàng ăn sẵn bên cạnh lấy cho quả nem, lạng giò, bát canh cua và khúc cá kho cháy cạnh là xong một bữa ăn.
Hôm trước mấy chú lãnh đạo xã khoe với tôi rằng UBND tỉnh Thái Bình đã đồng ý cho quy hoạch 3 khu dịch vụ thương mại, biến quê tôi thành trung tâm giao dịch của cả vùng. Đó là Khu thương mại dịch vụ Cầu Gọ, Khu thương mại dịch vụ Thái Hà và Khu thương mại dịch vụ Vô Hối. Do vậy mà giá đất ở những địa điểm này đang bị "thổi" lên khá cao.
Làng tôi đông dân, người làng lại tứ tán khắp nơi nên vào dịp Tết Nguyên đán, những đứa con đi xa trở về ngôi nhà của mình nên thời điểm này làng rất nhộn nhịp. Thế nhưng năm nay, do dịch bệnh kéo dài nên khi đã bước sang những ngày đầu năm mới Dương lịch 2022 mà con đường hồi hương còn xa tít tắp. Nhiều gia đình đã tính đến phương án ăn Tết online.
Có một điều may là do mạng lưới thông tin phát triển, kinh tế người dân được nâng cao nên hầu như mọi người trong làng đều có điện thoại di động. Việc mấy bà đi bắt cua, mò cá ngoài sông gọi điện cho chồng chuẩn bị gia vị để nấu canh, kho cá không còn là điều lạ.
Mấy hôm trước tôi đã thấy bà thím họ gọi điện bảo vợ chồng cậu con cả nếu không về được thì Giao thừa bật "cam" để "khấn tiên tổ". Biết rằng đó là điều bất tiện nhưng trần sao, âm vậy", chắc các cụ cũng lượng thứ với cháu con, cảm thông cho bởi thời dịch giã. Vả lại, người xưa có câu "Một vái xa bằng ba vái gần" nên các cụ linh thiêng thương cháu con có khi lại toàn tâm phù hộ hơn chăng?
Song, nhìn ở góc độ nào đó, ăn Tết online cũng có cái lợi vì đỡ vất vả, đỡ tốn kém và góp phần giảm bớt tai nạn giao thông bởi những cuộc hành hương về quê ăn tết. Với tiền lệ này, hoàn toàn có thể nó sẽ mở ra một phương cách ăn tết mới trong tương lai?
Khi tôi ngồi viết những dòng này, dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lây nhiễm nhưng quê tôi, vắc xin đã dần phủ kín và được biết, nhiều loại thuốc đặc trị đã và đang được cấp phép. Dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi. Thế giới đã bước sang một nhịp sống khác. Làng tôi cũng bước sang nhịp sống khác. Những cái Tết đã không còn như xưa.
Vui vì làng đang đổi thay từng ngày. Kinh tế ngày một nâng cao. Song, vẫn man mác nỗi hoài niệm từ ký ức!