Lạng Sơn: Xử lý 205 vụ vi phạm trong Tháng hành động về an toàn thực phẩm
Báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã đồng thời tăng cường kiểm tra các hoạt động thương mại, dịch vụ; chú trọng kiểm tra an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hoạt động kinh doanh xăng dầu, vật tư nông nghiệp...
Đáng chú ý, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn đã trực tiếp ra quân, chỉ đạo kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh là các địa điểm nóng trên địa bàn.
Kết quả, trong tháng cao điểm về an toàn thực phẩm, Quản lý thị trưởng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra 277 vụ, xử lý 205 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt hơn 2 tỷ đồng.
Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn tuyên truyền kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh hàng hóa bày bán tại khu vực diễn ra lễ hội trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Quản lý thị trường Lạng Sơn) |
Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Vi phạm quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa; về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; về công bố hợp quy/công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm đối với những sản phẩm phải công bố, hồ sơ sản phẩm được cơ quan chức năng xác nhận; về các quy định về sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc niêm yết giá và các quy định khác có liên quan...
Ông Đặng Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm“ năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã yêu cầu, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo từ Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh; phối hợp tổ chức thực hiện triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn; kịp thời rà soát, nắm tình hình và tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”năm 2024 phù hợp với địa bàn.
Các kế hoạch kiểm tra phải đảm bảo tiến độ, thực hiện có hiệu quả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hợp pháp.
Song song đó, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cũng chỉ đạo các Đội tiếp tục phối hợp tốt các cơ quan chức năng thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, nâng cao văn minh thương mại.
Trong Tháng hành động về an toàn thực phẩm Quản lý thị trưởng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra 277 vụ, xử lý 205 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt hơn 2 tỷ đồng. (Ảnh: Quản lý thị trường Lạng Sơn) |
Ông Đặng Văn Ngọc nhấn mạnh, mục tiêu của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Qua đó, hướng tới xây dựng một thị trường trong sạch, lành mạnh bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính; kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực chon các doanh nghiệp an tâm sản xuất.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, qua công tác kiểm tra, giám sát thị trường, các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; người tiêu dùng thực phẩm tiếp tục có chuyển biến tích cực về ý thức trong lựa chọn cơ sở, mặt hàng thực phẩm có uy tín để tiêu dùng.
Để đảm bảo ổn định thị trường về an toàn thực phẩm, cung cầu hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ cũng như công tác kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tuyên truyền, nắm chắc tình hình địa bàn, làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và những vụ việc vi phạm khác theo quy định của pháp luật.