Thứ ba 05/11/2024 15:18

Làng nghề Nghệ An nhộn nhịp vào vụ Tết

Tháng cuối cùng trong năm âm lịch cũng là thời gian nhộn nhịp nhất ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngay từ trong năm, các làng nghề đã tất bật chuẩn bị nhân công cũng như tất cả nguyên vật liệu đầy đủ để làm ra những sản phẩm ngon nhất, phục vụ người dân khắp nơi đón Tết.
Làng nghề làm hương trầm ở thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) đang chuẩn bị hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Báo Nghệ An

Cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của người dân làng nghề làm hương trầm ở thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) để kịp cho thương lái đưa hàng đi tiêu thụ. Để có được những búp hương đẹp, mùi thơm đặc trưng, người dân làng nghề làm hương trầm Quỳ Châu phải chọn lựa kỹ càng từ nguyên liệu làm bột hương, chân hương rồi đến công đoạn quấn hương để tạo thành que hương hoàn thiện. Rễ cây hương bài là nguyên liệu chính làm nên mùi vị đặc trưng của hương trầm Quỳ Châu

Kế thừa nghề làm hương trầm từ đời cha ông để lại, hai vợ chồng anh Hà, chị Loan ở thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) đã mở cơ sở sản xuất hương trầm. Ban đầu với chỉ vài ba người thợ, đến nay quy mô đã lớn hơn, mỗi năm sản xuất trên 30 vạn que hương đa dạng kích cỡ, doanh thu mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng. Vào vụ sản xuất chính (từ tháng 10 âm lịch) cơ sở thường xuyên có từ 20-30 công nhân làm việc. Từ năm 2014 đến nay, hương trầm Hà Loan liên tục được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Nghệ An và được nhận Bằng khen của Cục Sở hữu trí tuệ và UBND tỉnh Nghệ An.

Nhận thấy giá trị của hương trầm Quỳ Châu, cùng với tăng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Hà cùng với các cơ sở sản xuất hương trầm trên địa bàn tỉnh đứng ra thành lập Hiệp hội sản xuất hương trầm và Hợp tác xã để xây dựng nhãn hiệu xuất xứ và thương hiệu. Hiện nay, hương trầm Hà Loan nức tiếng ở Nghệ An và đã có mặt tại Hà Tĩnh, thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Ở làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, bên cạnh việc duy trì và phát triển các mặt hàng chế biến nông sản truyền thống như bánh chưng, bún, UBND xã Hợp Thành đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân mở rộng thêm một số mặt hàng mới như chế biến giò chả, kẹo cu đơ, bánh đa, bánh gai...

Làng Vĩnh Hòa hiện có trên 300 hộ, thì có đến 180 hộ làm nghề. Hàng năm làng nghề tiêu thụ khoảng hơn 300 tấn thực phẩm các loại gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt... Riêng trong dịp Tết, trung bình một hộ làm nghề tiêu thụ hết hơn 1 tấn nếp, 1 tấn thịt các loại và đậu xanh, doanh thu làng nghề trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ước tính 1,2 tỷ đồng.

Ông Lê Đình Chung - Cơ sở sản xuất giò chả Chung Tài, xóm Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành - chia sẻ: “Cơ sở của chúng tôi chuyên sản xuất các loại giò chả ngon, đảm bảo chất lượng, gần Tết chúng tôi nhận được các đơn đặt hàng từ Hải Phòng, Vinh, Hà Nội, Sài Gòn... Để kịp giao hàng cho khách, ngoài huy động các thành viên trong gia đình, cơ sở còn phải thuê thêm từ 3-4 lao động, bình quân mỗi lao động dịp này cũng có thu nhập gần 2 triệu đồng”.

Bánh chưng Vĩnh Hòa thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng ra thị trường phục vụ Tết

Trong khi đó, làng Vĩnh Hòa của xã Hợp Thành, huyện Yên Thành từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh chưng, bánh tét. Nơi đây có 210 hộ làm nghề và sống bằng nghề gói bánh chưng. Những ngày bình thường, mỗi gia đình làm 5-6 tạ nếp/tháng, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, do nhiều người đặt hàng nên mỗi gia đình cũng tăng thêm so với bình thường từ 1-1,5 tạ nếp/tháng.

Bánh chưng Vĩnh Hòa được gói bằng gạo nếp, thịt lợn tươi ngon ướp với mắm cốt truyền thống và hạt tiêu sọ, đậu xanh hạt to đều và bóng mẩy, bên ngoài được bao bọc bởi lớp lá dong xanh. Bánh chưng Vĩnh Hòa được người dân gói bằng tay nên bánh rất chặt, đều và đẹp. Khi luộc phải đủ giờ, đủ nước, nguyên liệu ngấm quyện vào nhau tạo thành vị ngọt bùi, béo ngậy, tỏa hương thơm. Nhờ những bí quyết của làng nghề truyền thống nên thương hiệu bánh chưng, bánh tét nơi đây đã được nhiều người biết đến. Từ hàng chục năm nay, bánh chưng, bánh tét Vĩnh Hòa đã có mặt ở khắp thị trường trong Nam, ngoài Bắc.

Là một trong những gia đình có truyền thống gói bánh chưng lâu đời và có bí quyết riêng nên sản phẩm của gia đình bà Bùi Thị Nhung, làng Vĩnh Hòa luôn được khách hàng ưa chuộng. Ngoài gói bánh chưng để bán hàng ngày, gia đình còn làm theo đơn đặt hàng của khách từ hàng chục đến hàng trăm chiếc tùy kích cỡ. Bà Nhung cho biết: “Trong dịp Tết này, gia đình tôi đã mua 2 tấn gạo nếp, 5 tạ đậu xanh, đặt thịt lợn tươi ngon để gói bánh chưng. Hiện nay gia đình đã nhận được đơn đặt hàng từ TP. Vinh và các huyện lân cận, tiêu thụ năm nay cao gấp 5 lần so với năm ngoái bởi bánh vừa tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Ông Nguyễn Mão, Chủ tịch xã Hợp Thành, cho biết: “Sản phẩm làng nghề Vĩnh Hòa khá đa dạng như bánh chưng, bánh gai, bánh tét, bánh cuốn… Hiện nay, trung bình mỗi ngày làng nghề tiêu thụ 3 tấn gạo nếp, 2 tạ thịt và đậu các loại. Tết này, sản phẩm làng nghề được đưa đi tiêu thụ ở TP. Vinh, Quỳ Hợp, Diễn Châu, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh”.

Từ những sản vật của mỗi địa phương, vùng miền, những sản phẩm của các làng nghề đang góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Nghệ An. Việc làm ra các sản phẩm được thị trường ưa chuộng không chỉ mang hương xuân, mùi vị Tết đến với mọi nhà mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời phát huy giá trị truyền thống làng nghề địa phương, lưu giữ nét đẹp văn hóa quê hương và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt.

Hoàng Trinh

Tin cùng chuyên mục

Sơn La xây dựng thương hiệu, mở rộng đầu ra cho nông sản

Sơn La có tân Phó Bí thư Tỉnh uỷ

Nước tại ‘rốn lũ’ Mẹ Suốt đang lên nhanh, sơ tán khẩn cấp người dân

Sơn La hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Nam Định có về đích năm 2024 với 1 tỷ USD xuất siêu?

Doanh nghiệp nào trúng đấu giá 205 lô 'đất vàng' ở thành phố Thanh Hóa với giá hơn 354 tỷ đồng?

Sóc Trăng: Đa dạng hóa sản phẩm OCOP, thúc đẩy kinh tế nông thôn

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Mưa trắng trời, Đà Nẵng ngập sâu, cấm đường khắp nơi

Bình Phước: Tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 20% với cùng kỳ

Hải Phòng: Đẩy nhanh tốc độ thành lập các khu, cụm công nghiệp mới

Đám cháy lớn bao trùm hiệu sách nhân dân thành phố Thanh Hóa

Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều điểm sáng về kinh tế, thương mại, dịch vụ 10 tháng năm 2024

Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình

Ông Nguyễn Ngọc Thiện giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên

Quảng Ninh: Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

Vĩnh Phúc: Công bố quyết định bổ nhiệm Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên

Hòa mình vào Hội Mùa vàng để khám phá vẻ đẹp hoang sơ và văn hóa độc đáo vùng Đông Bắc