Lan tỏa ý thức "không xả rác ra đường và kênh rạch" để bảo vệ môi trường đến mỗi người dân
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” trong năm 2024. Kế hoạch nhằm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị trú đóng trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, trong giai đoạn 2024 - 2025, Thành phố sẽ phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu đề ra, gồm: Phấn đấu 80% phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 80% trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành; 100% khu phố, ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 70% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng; 95% phường, xã, trị trấn đạt tiêu chí "Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường".
Rác thải lấp đầy mặt nước kênh rạch. (Ảnh: Moitruongvadothi.vn) |
TP. Hồ Chí Minh là một đô thị lớn với hàng ngàn tấn rác thải sinh hoạt được thải ra mỗi ngày. Dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong việc thu gom và xử lý rác thải, việc nâng cao ý thức của người dân về việc hạn chế xả rác là một yếu tố vô cùng quan trọng để giữ gìn mỹ quan đô thị và giảm thiểu gánh nặng cho các đơn vị thu gom rác.
Trong nhiều năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh môi trường vẫn còn là một thách thức lớn, đặc biệt là tại các khu dân cư và các tuyến đường, kênh rạch trong nội đô.
Để cải thiện tình hình, nhiều mô hình sáng tạo và hoạt động cộng đồng đã được triển khai trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo ghi nhận của báo Công Thương, một trong những mô hình đáng chú ý là “Biệt đội Sài Gòn Xanh” - nhóm tình nguyện viên trẻ nhiệt huyết với mong muốn làm sạch môi trường sống.
Được thành lập bởi một nhóm thanh niên và sinh viên từ 20-30 tuổi, “Biệt đội Sài Gòn Xanh” đã tích cực tổ chức các buổi dọn dẹp, thu gom rác tại các kênh, mương bị ô nhiễm nặng nề. Kể từ năm 2023, nhóm đã lội xuống các dòng kênh để thu gom rác, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường sống của TP. Hồ Chí Minh.
Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh hơn nửa năm nay cũng đã tiến hành lắp phao ngăn rác. Hệ thống phao chắn không ảnh hưởng dòng chảy, có tác dụng giữ rác tại một điểm, thuận tiện cho việc dọn dẹp. Trước đó các thành viên thường tiến hành các chiến dịch dọn rác, "giải cứu" kênh rạch.
Trưởng nhóm Nguyễn Lương Ngọc, 28 tuổi, cho biết mỗi đoạn kênh chảy qua các khu dân cư nên rác khắp nơi, cần dùng phao chắn để cô lập từng vùng. "Những chiếc phao giúp rác không bị trôi trong cống, dạt về cuối nguồn, khi dọn cũng không tốn sức nhiều", anh Ngọc cho biết: “Chúng tôi mong muốn thông qua các hoạt động của mình, người dân sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc không xả rác ra môi trường. Chúng tôi quay video các buổi dọn dẹp và đăng tải lên mạng xã hội với hy vọng truyền cảm hứng cho nhiều người khác cùng tham gia".
Cuộc vận động “Không xả rác” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, nhiều người dân đã tham gia vào các hoạt động dọn dẹp và bắt đầu thay đổi thói quen xả rác của mình. Sự lan tỏa từ những hoạt động nhỏ như vậy đang dần tạo nên một chuyển biến tích cực trong ý thức cộng đồng.
Biệt đội Sài Gòn Xanh ngâm mình dưới dòng kênh đen kịt. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
TS. Nguyễn Văn Hoàng, chuyên gia về môi trường, đánh giá: “Cuộc vận động không xả rác ra đường và kênh rạch là một bước đi đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức cộng đồng và người dân. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ và các biện pháp xử lý rác thải hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng”.
Tại chợ Bến Thành, bà Lan Anh, một tiểu thương, cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu giảm sử dụng túi nilon và thay thế bằng túi giấy hoặc túi có thể tái sử dụng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn được người tiêu dùng ủng hộ”.
Anh Phùng Tiến Minh, một cư dân tại quận Bình Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, việc xả rác bừa bãi là điều khá phổ biến. Nhưng nhờ các chiến dịch tuyên truyền, tôi và gia đình đã thay đổi thói quen, cố gắng phân loại rác và chỉ vứt rác vào đúng nơi quy định”.
Chị Yến Nhi, sinh viên đại học Đại học Mở, chia sẻ: “Việc đồng lòng hưởng ứng cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” với nhiều nội dung và nhiều hình thức phong phú, Thành phố kỳ vọng tạo được sự đồng thuận cao của người dân; thúc đẩy trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường sống”.
Cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch” không chỉ là nỗ lực của chính quyền mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Sự thay đổi trong ý thức của người dân, cùng với các hành động thiết thực từ cộng đồng và chính quyền, sẽ là yếu tố then chốt để xây dựng một Thành phố sạch, xanh và thân thiện với môi trường. Những mô hình như “Biệt đội Sài Gòn Xanh” hay việc giảm sử dụng túi nilon tại các chợ là minh chứng sống động cho thấy rằng sự thay đổi, dù nhỏ, cũng có thể tạo ra tác động lớn trong công cuộc bảo vệ môi trường.