Làm thế nào để tránh lỗ do biến động tỷ giá?
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính đến thời điểm báo cáo tài chính quý III/2015, CTCP Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận mức lỗ 213,8 tỷ đồng. Trong đó, 205,6 tỷ đồng lỗ do đánh giá lại khoản vay có gốc ngoại tệ và 8,2 tỷ đồng do lỗ tỷ giá thực hiện. Tương tự, CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) cũng ghi nhận mức lỗ do biến động tỷ giá lần lượt là 224 tỷ đồng và 171 tỷ đồng. Các DN này gần như mất khoảng 2/3 số lãi so với cùng kỳ năm ngoái đồng thời chịu áp lực giảm giá cổ phiếu trên thị trường.
Những trường hợp nêu trên cho thấy phần lỗ do biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay là rất lớn ở khối DN nhập khẩu có vay ngoại tệ.
Theo phân tích của các chuyên gia, DN chịu lỗ tỷ giá do chưa sử dụng đến dịch vụ bảo hiểm tỷ giá của các ngân hàng thương mại (NHTM). Hầu hết DN đều chưa quan tâm và coi phòng ngừa rủi ro tỷ giá là nghiệp vụ bắt buộc trong quản trị. DN được hỏi đều cho rằng mức phí 300-400 triệu đồng đối với một hợp đồng bảo hiểm tỷ giá là quá lớn. Hơn nữa các DN đều mang tâm lý tỷ giá hối đoái có xu hướng ổn định và được NHNN cam kết trong biên độ có thể tính toán được lợi nhuận vì thế họ không cần phải sử dụng dịch vụ bảo hiểm tỷ giá.
Tuy nhiên khi nhìn nhận con số lỗ do tỷ giá của các DN trong quý III vừa qua thì không thể phủ nhận rằng nếu được bảo hiểm tỷ giá chắc chắn DN không bị giảm lãi thậm chí phải báo lỗ.
Thực tế hiện nay, hầu hết các NHTM đều đang cung cấp các sản phẩm phái sinh, tùy theo nhu cầu, DN có thể lựa chọn cho mình công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá phù hợp như giao dịch kỳ hạn (Forward), giao dịch quyền chọn (Option) hay hợp đồng tương lai (Future). DN cũng không nhất thiết phải mua toàn bộ 100% công cụ phòng tránh rủi ro mà có thể tùy sức chịu đựng cũng như quy mô hoạt động của mình để đưa ra quyết định mua công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, có thể ở mức 30% hoặc 50%.
Sau những đợt biến động tỷ giá vừa qua, nhiều DN đã ý thức hơn về sự cần thiết của việc phải coi phòng ngừa rủi ro tỷ giá là nghiệp vụ bắt buộc trong quản trị.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển mạnh hơn các loại hình công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá thì bản thân cả DN và NHTM cần phải có thêm nhiều thay đổi. Theo đó phía NHTM cần gia tăng thêm nhiều sản phẩm đa dạng và phù hợp với đông đảo khối DNNVV, trong khi phía DN và các hiệp hội ngành hàng cũng phải nhìn nhận nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá như là một tiêu chuẩn để đánh giá sức khỏe của DN trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu, rộng vào các hiệp định thương mại đa phương ở quy mô khu vực và thế giới.