Thứ bảy 16/11/2024 18:16

Ký ức về khẩu đội súng phòng không tại Bộ Nội thương 12 ngày đêm năm 1972

Trong 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972, có một trận địa phòng không đặt trên nóc nhà Bộ Nội thương.

Hà Nội 12 ngày đêm ấy, từ 18 đến 30/12/1972, cùng với các lực lượng tên lửa và pháo phòng không làm nhiệm vụ chiến đấu ở tầm cao còn có các trận địa súng máy phòng không đặt trên nóc các toà nhà cao tầng lúc bấy giờ ở trung tâm thủ đô Hà Nộiđể cùng với các lực lượng khác bảo đảm chiến đấu ở tầm thấp.

Tất cả tạo thành một thế trận “thiên la địa võng” hiếm có trong lịch sử quân sự thế giới sẵn sàng “đón” dàn máy bay Mỹ

Với tầm bắn hiệu quả 800 -1.000m, khả năng dựng màn đạn mật độ lớn, súng máy phòng không như 12,7mm rồi 14,5mm tỏ ra là vũ khí hiệu quả chống lại mục tiêu bay thấp hoặc khi chúng bổ nhào tấn công.

Hà Nội những ngày tháng chạp năm ấy thực sự là những ngày “Chân ta bước lòng ung dung tự hào/Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao”. (lời bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của cố nhạc sĩ Phan Nhân).

Cùng với các trận địa súng máy phòng không của các đơn vị khác, một trận địa súng của Bộ Nội thương (nay là Bộ Công Thương) được đặt ngay trên nóc nhà của Bộ tại số 91 phố Đinh Tiên Hoàng, khu Hoàn Kiếm (nay là trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường), sát ngay bờ hồ Hoàn Kiếm.

50 năm sau những ngày đêm ấy, chúng tôi tìm lại những người trực tiếp tham gia khẩu đội súng của Bộ Nội thương. Người còn, người đã mất. Thật may mắn thay, chúng tôi gặp được một trong hai người còn sống của khẩu đội súng máy Bộ Nội thương năm xưa.

Đó là cụ Phạm Đức Tôn, năm nay đã ở tuổi 86.

Ở tuổi “xưa nay hiếm” song cụ Phạm Đức Tôn còn rất minh mẫn, giọng nói sang sảng. Trong câu chuyện với chúng tôi tại ngôi đền Hương Tượng giữa phố cổ Hà Nội- nơi từ nhiều năm nay cụ làm nhiệm vụ trông coi đền, những hồi ức về 12 ngày đêm tháng chạp nửa thế kỷ trước hiện lên rõ mồn một. Y như chúng chỉ vừa mới diễn ra ngày hôm qua.

Cụ Phạm Đức Tôn

Cụ Tôn kể, năm 1972, cụ đang là chuyên viên của Vụ Kế toàn tài vụ của Bộ Nội thương. Từ tháng 6/1972 không quân Mỹ bắt đầu đánh vào trong nội địa Hà Nội bên cạnh việc ném bom các vùng ngoại vi thành phố.

Nhưng trước đó từ tháng 4/1972, được sự đồng ý của Ban chỉ huy quân sự Hà Nội, Bộ Nội thương thành lập trung đội trực chiến tầm thấp. Các chiến sĩ tham gia trung đội súng máy của Bộ được chọn lọc từ những tự vệ xuất sắc, tuổi còn trẻ trong đại đội tự vệ của Bộ Nội thương.

Bộ trưởng Bộ Nội thương Hoàng Quốc Thịnh (người thứ 5 hàng đầu từ phải) và lãnh đạo Bộ thăm, động viên các chiến sĩ khẩu đội súng mày phòng không của Bộ ngay tại trận địa trên nóc nhà Bộ Nội thương (ông Phạm Đức Tôn đứng thứ 5 hàng sau từ phải) - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trung đội trực chiến của Bộ được chia làm hai khẩu đội luân phiên trực chiến cả ngày lẫn đêm. Khi còi báo động trên nóc Nhà hát Lớn vang lên là vào vị trí chiến đấu. Cụ Phạm Đức Tôn khi ấy được phân công là khẩu đội phó.

Trận địa được đặt trên nóc nhà 91 Đinh Tiên Hoàng, nơi có độ cao 41 mét so với mặt đất. Ban đầu khẩu đội được tập huấn sử dụng súng máy 12,7mm. Sau thấy trận địa này tốt quá được chuyển thành xây dựng ụ súng kiên cố có đường kính gần 3 mét và chuyển sang dùng súng máy 14,5mm”.

Trang phục quân nhu như mũ sắt, quần áo phục vụ chiến đấu được cấp đầy đủ, y như một đơn vị bộ đội chủ lực lúc bấy giờ”- cụ Tôn kể.

Những cán bộ của Bộ Nội thương ngày ấy tham gia khẩu đội được tách hẳn với công tác chuyên môn để tập trung vào nhiệm vụ trực chiến và chiến đấu. Có cả một bác sĩ của phòng Y tế Bộ được phân công việc lo sức khoẻ cho các chiến sĩ trong khẩu đội.

Khẩu đội súng máy Bộ Nội thương vào vị trí chiến đấu (ảnh do cụ Phạm Đức Tôn cung cấp)

Làm nhiệm vụ trực chiến từ tháng 4/1972 song trong 12 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, cả khẩu đội không ai được phép rời trận địa. Ăn ngủ tại chỗ, cơm nước thì hoặc do người nhà mang đến, hoặc tranh thủ chạy ngay sang bên kia đường ở phố Tràng Tiền để mua.

Trong thời gian trực chiến, các chiến sĩ tham gia các khẩu đội súng máy phòng không của Bộ Công Thương đã luôn nhận được sự thăm hỏi động viên tích cực của lãnh đạo Bộ Nội thương. Đặc biệt trong thời gian 12 ngày đêm cứ sau mỗi trận chiến, Bộ trưởng Hoàng Quốc Thịnh cùng lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị chức năng trực tiếp lên trân địa động viên tinh thần chiến đấu các chiến sĩ.

Có một trận chiến đấu trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 xảy ra vào buổi chiều, khẩu đội súng máy của Bộ Nội thương phối hợp cùng các đơn vị tự vệ khác bắn rơi một máy bay của Mỹ. Chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy rồi rơi xuống khu vực phía Tây Nam thủ đô.

Trong câu chuyện cụ Tôn không quên kể một kỷ niệm vui.

Dạo ấy có những bó sợi kim loại máy bay Mỹ thả xuống, rơi trắng mặt hồ Hoàn Kiếm, rơi cả vào trận địa chúng tôi. Anh em đều không hiểu đó là gì phải mời lực lượng chức năng của quận đội Hoàn Kiếm và thành phố ra xử lý. Về sau mới biết đó là những bó sợi máy bay Mỹ thả xuống hòng gây nhiễu, “bịt mắt” lực lượng ra đa của ta”.

Các chiến sĩ khẩu đội súng máy 14,5mm Bộ Nội thương năm 1972

Kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp, các khẩu đội súng máy phòng không của Bộ Nội thương chung niềm vui với quân dân Hà Nội và cả nước với thắng lợi vang dội của trận “Điện Biên Phủ trên không” khi hàng chục pháo đài bay B52 bị bắn rơi.

Trên thực tế lực lượng lưới lửa tầm thấp, trong đó có các khẩu đội súng máy phòng không đã phát huy tác dụng rất tốt, góp phần rất tích cực trong chiến đấu 12 ngày đêm.

Tháng 2/1973 sau khi ký hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam, trung đội súng máy phòng không của Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ và giải thể. Trung đội đã được Bộ Tư lệnh thủ đô, Quận đội Hoàn Kiếm và Bộ Nội thương khen thưởng. Những người chiến sĩ khẩu đội súng lại tạm biệt trận địa trở về vị trí công tác chuyên môn của mình.

Và cụ Phạm Đức Tôn lại cùng các đồng đội, đồng nghiệp tiếp tục gắn bó với Bộ Nội thương nhiều năm sau nữa cho đến ngày nghỉ hưu.

Trong câu chuyện sôi nổi, chúng tôi được biết thêm điều thú vị là gia đình cụ Tôn đã sinh sống ở Hà Nội lâu đời. Ngôi đền Hương Tượng mà cụ làm nhiệm vụ trông coi là nơi thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, người được vua nhà Trần phong chức “Kinh sư đại doãn” và được coi như vị thị trưởng đầu tiên của Thăng Long – Hà Nội ngày nay.

Dòng lịch sử trôi đi nhưng có những ký ức không thể xoá nhoà. Chúng vẫn sống, song hành cùng chúng ta để luôn sáng lên, cháy lên một thời hào hùng mỗi khi nhớ về.

Quang Lộc
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Nước ta có thể chuẩn bị đón siêu bão

Nhân sự 15/11: Ông Nguyễn Xuân Ký, Bùi Văn Cường bị kỷ luật cảnh cáo; Ban Dân vận có nhân sự mới

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 16/11/2024: Nam Bộ ngày nắng, đêm có mưa rào và dông

Dự báo thời tiết biển hôm nay 16/11/2024: Bắc Biển Đông có mưa bão

Kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Vì tầm vóc Việt

Thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác giữa Hà Nội với tỉnh Kanagawa (Nhật Bản)

Tối 15/11, một người vỡ òa niềm vui khi trúng Vietlott hơn 45,5 tỷ đồng

Khó khăn trong việc xác định tổ hợp tuyển sinh của các trường đại học năm 2025

Trường Đại học Kinh tế quốc dân trở thành Đại học thứ 9 của Việt Nam

Hà Nội: Cháy lớn kèm tiếng nổ tại xưởng bao bì trên địa bàn huyện Hoài Đức, khói đen mù mịt

Nối dài hành trình ‘Một tỷ cây xanh - Vì Việt Nam xanh’

Công tác phối hợp kiểm toán ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả

Bắt người mẫu An Tây, ca sĩ Chi Dân: Lời xin lỗi muộn màng và bài học đắt giá cho nghệ sĩ

Sắp có bệnh viện tiêu chuẩn Nhật Bản tại Hà Nội?

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ

Vẫn còn 41,8% số công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động kém bền vững

Phong Nha - Quảng Bình: Voọc xuống đường tấn công người dân

Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới

Bàn giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp mỏ và năng lượng

Tin cuối cùng về bão số 8