Kỳ III: Còn nhiều thách thức
Tăng cường đầu tư cho hệ thống lưới điện cũng góp phần giảm tổn thất điện năng |
Từ những giải pháp giảm tổn thất
Các chuyên gia ngành Điện cho rằng, nếu tỷ lệ TTĐN nhiều thì áp lực sản xuất điện năng lớn, từ đó gây tác động đến ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần một giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.
Để giảm tổn thất, giáo sư Trần Đình Long cho rằng, về nguyên tắc, cần quy hoạch nguồn và lưới truyền tải hợp lý. Nghĩa là nguồn cung gần với cầu (phụ tải), tính toán cân bằng năng lượng theo vùng để tránh truyền tải công suất lớn đi xa. Thứ hai là lựa chọn thông số thiết kế cấu trúc, sơ đồ lưới điện hợp lý; đầu tư trang thiết bị lưới điện cần tính đến tiết diện dây dẫn (vừa phải), chủng loại, công suất máy biến áp... hợp lý; tính toán, xác định lộ trình đầu tư theo kịp phát triển phụ tải, tránh quá tải hoặc chờ tải sẽ giảm được tổn thất.
Đối với các chính sách, xây dựng cơ chế giá điện theo thời điểm sử dụng, hoặc giá điện 2 thành phần (điện năng và công suất Pmax sử dụng trong tháng) nhằm tránh sử dụng điện vào giờ cao điểm để giảm công suất cực đại vì nếu tăng công suất sử dụng lên 2 lần thì tổn thất tăng 4 lần.
Bên cạnh đó, trong quản lý vận hành, cần lựa chọn cấu hình lưới điện phân phối trong vận hành hợp lý; tổ chức hệ thống đo đếm chặt chẽ, phát hiện kịp thời hiện tượng trộm cắp điện, gian lận thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về công tác giảm TTĐN nói riêng và sử dụng điện tiết kiệm điện hiệu quả nói chung; có cơ chế thưởng phạt kịp thời, minh bạch.
Đến những thách thức
Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) - cho rằng, giảm TTĐN, bên cạnh các giải pháp quản lý vận hành cần tăng cường đầu tư cho hệ thống lưới điện. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Đối với EVNNPC còn khó khăn hơn vì hệ thống lưới điện được xây dựng khá lâu, trên địa bàn rộng, có nhiều cấp điện áp trung gian, thường xuyên mang tải cao khiến tỷ lệ tổn thất giảm không đáng kể. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng phụ tải ngày càng tăng với 2 con số khiến công tác giảm tổn thất chịu nhiều áp lực. Mặt khác, không có nguồn vốn riêng đầu tư cho giảm tổn thất mà nó chỉ nằm trong các chương trình kế hoạch đầu tư hàng năm đều phải kết hợp như chống quá tải, nâng cao chất lượng, độ tin cậy cấp điện.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, để phục vụ tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 - 7%/năm, dự kiến nguồn vốn cần đầu tư cho ngành Điện khoảng 440.000 tỷ đồng nhằm mục tiêu bảo đảm cung cấp điện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần giảm TTĐN.
Bên cạnh những thách thức về nguồn vốn, ông Lê Việt Hùng - Phó trưởng ban sản xuất EVN - cho rằng, hiện các công trình phát triển lưới điện còn gặp nhiều vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ công trình. Đây cũng là nguyên nhân khiến mục tiêu giảm TTĐN chưa đạt như mong muốn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giảm TTĐN là điều cần thiết, tuy nhiên không phải bằng mọi giá vì cần tính toán hiệu quả kinh tế và khả năng cung cấp điện ổn định trên lưới, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đôi khi, cần phải chấp nhận tổn thất, bảo đảm hiệu quả tối đa chung toàn hệ thống điện, nhất là việc tối ưu khai thác nguồn điện, giảm áp lực lên giá điện.
Để đạt được mục tiêu giảm TTĐN, bên cạnh nỗ lực của mình, ngành Điện mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay của cộng đồng trong việc nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện an toàn hiệu quả, góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia. |