Kinh doanh thuốc lá lậu: Vẫn diễn biến phức tạp
Phương thức tinh vi
Theo số liệu của Chi cục QLTT, Bộ Công Thương: Chỉ tính từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 9.401 vụ, xử lý 4.794 vụ, thu giữ 1.035.327 bao thuốc lá các loại, xử phạt vi phạm hành chính hơn 16 tỷ đồng. Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2015, số lượng thuốc lá tiêu hủy đã lên tới 28.892 bao và gần 700 điếu xì gà các loại.
Đại điện Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Nhìn chung tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trong 6 tháng đầu năm 2015 có xu hướng giảm tuy nhiên phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn bán hàng nhập lậu vẫn còn rất tinh vi và phức tạp, có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế xã hội khác nhau. Phần lớn hàng hóa nhập lậu được các đối tượng vận chuyển và tập kết tại các tỉnh lận cận, sau đó mới chia nhỏ rồi vận chuyển vào nội thành để tiêu thụ. Do thuốc lá có đặc điểm nhỏ gọn nên rất dễ cho việc vận chuyển tiêu thụ. Thông thường các chủ đầu nậu thuê các cá nhân như: sinh viên, xe ôm, phụ nữ các tỉnh… vận chuyển để tránh sự chú ý của cơ quan quản lý.
Trên thực tế, địa bàn Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung, các cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh kiểm tra việc vận chuyển thuốc lá điều nhập lậu nên các đối tượng vận chuyển kinh doanh có dấu hiệu giảm mạnh. Từ đó dẫn đến việc bày bán công khai thuốc lá lậu cũng có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, các đối tượng kinh doanh vỉa hè, không cố định thường bày vỏ bao thuốc thuốc lá điều các loại trong tủ kính hoặc trong các tấm bìa cứng để trưng bày sản phẩm, khi có khách mua thuốc lá thì mới đi lấy hàng tại các điểm khác. Khi gặp lực lượng kiểm tra thì các đối tượng cầm ghế, túi, thùng... để chạy hàng. Các đối tượng này thường là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, địa chỉ không rõ ràng nên việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp phải nhiều khó khăn bất cập.
Kiểm soát từ gốc
Theo ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, trong 6 tháng cuối năm 2015, tình hình kinh tế được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp. Công tác đấu tranh chống hàng cấm hàng nhập lậu càng gặp nhiều khó khăn thử thách.
Chính vì thế, các tổ công tác phải tiếp tục thực hiện phương pháp gắn điều tra với việc nắm diễn biến hoạt động thương mại trên địa bàn nhằm xác định đối tượng, quy luật hoạt động của các đối tượng trên địa bàn; Đặc biệt tập trung theo các tuyến cụ thể như: tuyến Lạng Sơn, Quảng Ninh về Hà Nội, tuyến Cao Bằng về Hà Nội, tuyến Quảng Trị về Hà Nội… Đối với các điểm tập kết hàng hóa, tập trung quản lý chủ yếu ở các khu vực có nhiều kho tàng bến bãi như quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai, quận Long Biên…các cảng cạn, các cửa khẩu như: cảng hàng không Nội Bài, ga Yên Viên, ga Hà Nội, ga Giáp Bát và một số điểm tập kết khác.
Các tổ công tác căn cứ vào kế hoạch đề ra, chủ động tăng cường điều tra, trinh sát, nắm tình hình đối với các tuyến đường giao thông được phân công, nắm quy luật vận chuyển, thủ đoạn trốn tránh và xây dựng nhân mối, cơ sở để để xuất điều tra.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng cần sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng: Phòng PC 46, Phòng PA 81…Công an Hà Nội, Cục Hải quan, Thuế vụ… để tiến hành kiểm tra, xử lý việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các mặt hàng cấm, hàng ngoại nhập lậu.