Kinh doanh đa cấp trái pháp luật: Freedom Group, Coffeecell và các cá nhân đều có thể bị xử lý hình sự
Ngày 22/10/2020, trên Báo Lao động điện tử (laodong.vn), đăng tải bài viết: Tự "nổ" chữa bách bệnh: Đa cấp Vision tồn tại bất hợp pháp tại Việt Nam?
Theo nội dung bài báo, dù không được đào tạo chuyên môn, nhưng bà Trần Thanh Tuyền (còn gọi là An Trà, SN 1972) thường xuyên tổ chức khám chữa, phát thuốc rầm rộ cho các các bệnh nhân nan y tại địa chỉ số 16, tổ 10, phố Đầm Xanh, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Thế nhưng, cái gọi là "thuốc" mà bà Tuyền bán ra và tung hô như "thần dược", thực chất là thực phẩm chức năng Vision.
Bài báo cho biết, Vision là các dòng thực phẩm chức năng của Tập đoàn Vision International People Group, thông qua đối tác chính thức tại Việt Nam là Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam thực hiện kinh doanh đa cấp, các sản phẩm này đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ rất sớm (năm 2002)… Thế nhưng, với những thăng trầm trong hoạt động, đến tháng 6/2018, Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam đã bất ngờ ngừng hoạt động.
Điều đáng nói, sau khi Vision Việt Nam ngừng hoạt động, bà Tuyền cùng chồng là ông Hoàng Văn Thanh vẫn được cộng đồng tham gia vào hệ thống này công nhận là thủ lĩnh cao cấp VIP Master và có những hoạt động đào tạo, tuyển dụng... Tầm ảnh hưởng của bà Tuyền, ông Thanh lớn đến mức Thái Nguyên đã được chọn là 1 trong 3 địa điểm tại Việt Nam tổ chức sự kiện Vision Energy Tour 2019 (do Thái Nguyên chính là thành phố của VIP Master mới Trần Thanh Tuyền và Hoàng Văn Thanh)…
Bài báo cũng phản ảnh, hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép các sản phẩm Vision của Freedom Group được nhập khẩu thông qua Công ty TNHH Coffeecell.
Câu hỏi đặt ra là: Sau tuyên bố ngừng kinh doanh, việc tồn tại của Vision ở Việt Nam có bất hợp pháp?
Kinh doanh đa cấp trái pháp luật có thể bị xử lý hình sự. Ảnh minh họa |
Rộng đường dư luận
Liên quan đến bài báo nêu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), cho biết: Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam được Cục Quản lý cạnh tranh trước đây (nay là CT&BVNTD) cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số 018/QLCT-GCN ngày 27/01/2015 và cấp sửa đổi, bổ sung lần thứ 10 vào ngày 07/11/2017. Ngày 20/07/2018, Công ty TNHH MTV Thương mại Vision Việt Nam, đã hoàn thành thủ tục với cơ quan chức năng chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo qui định của pháp luật (Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/03/2018 của Chính phủ).
Trong quá trình thụ lý hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH MTV Thương mại Vision Việt Nam, Cục CT&BVNTD đã ghi nhận phản ánh của Công ty này như sau:
Tập đoàn Vision International (nhà cung cấp sản phẩm cho Công ty TNHH MTV Thương mại Vision Việt Nam) hợp tác với Công ty Freedom Group (có trụ sở tại Hồng Kông) và chuyển đổi hệ thống quản lý nhà phân phối của Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam qua hệ thống Sessia Vision từ ngày 28/02/2017.
Đến ngày 27/04/2018, Công ty Freedom Group đã đơn phương chấm dứt quyền can thiệp, vận hành đối với hệ thống Sessia Vission của Công ty TNHH MTV Thương mại Vision Việt Nam và yêu cầu các nhà phân phối phải đặt hàng trực tiếp từ Công ty Freedom Group để hưởng hoa hồng thông qua hệ thống Sessia Vision. Ngoài ra, Công ty Freedom Group cũng có dấu hiệu phát hành và huy động đầu tư đồng tiền ảo Kicks (một loại tiền mã hóa có giá trị tích lũy, lưu hành trong nội bộ hệ thống và các công ty đối tác của Sessia).
Trước các thông tin ghi nhận về hoạt động có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Freedom Group khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật, ngày 10/07/2018, Cục CT&BVNTD đã đăng tải thông tin khuyến cáo người dân về hoạt động trái phép của Freedom Group. Đến ngày 23/07/2018, Cục CT&BVNTD đã cung cấp các thông tin và tài liệu về hoạt động kinh doanh đa cấp không phép của Freedom Group tới Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (nay là Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) để xác minh và xử lý theo thẩm quyền.
Hình ảnh sự kiện Vision Energy Tour 2019, trên Báo Lao động điện tử. Ảnh minh họa |
Liên quan đến Công ty TNHH Coffeecell (Mã số: 0108204915; địa chỉ tại ngõ 42, phố Thịnh Liệt, Phường Thịnh Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội), Cục CT&BVNTD cho biết, công ty này đã từng nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận bán đăng ký hàng đa cấp năm 2019, nhưng chưa được cấp. Kể từ cuối năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Coffeecell cũng không nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp tới Cục CT&BVNTD.
Theo Cục CT&BVNTD, căn cứ các nội dung bài báo đã phản ánh, thì các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp của Freedom Group và Công ty TNHH Coffeecell, đều có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 217a, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Lưu ý tội kinh doanh đa cấp trái pháp luật
Theo qui định tại Điều 217a, Bộ luật Hình sự, thì các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; hoặc tổ chức kinh doanh bán hàng đa cấp không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký đã được cấp phép, sẽ bị coi là tội phạm nếu thỏa mãn một trong các dấu hiệu: (1) đã bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (2) thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; (3) gây thiệt hại cho người khác từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.
Lỗi của người phạm tội này là cố ý trực tiếp, biết rõ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn mong muốn thực hiện. Người phạm tội về kinh doanh đa cấp trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, nếu thỏa mãn một trong các tình tiết định khung tăng nặng như: (1) thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; (2) gây thiệt hại cho người khác từ 1,5 tỷ đổng trở lên; (3) quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với các pháp nhân thương mại (tổ chức, doanh nghiệp…) phạm tội qui định tại điều 217a, Bộ luật Hình sự, tùy theo mức độ nặng, nhẹ sẽ bị xử phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm, hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm…