Kiến thức phong thủy
- Vấn đề địa lý phong thủy là một dạng ý thức xã hội đã tồn tại và bám rễ vào cuộc sống hàng ngày của con người mấy ngàn năm rồi, không dễ gì nói: Đừng tin hay phải tin vào phong thủy mà người ta nghe theo ngay. Khái niệm phong thủy đã trở thành một phản xạ có điều kiện của con người hiện đại (giống như cứ mùng 1 và ngày rằm hàng tháng âm lịch là hương khói, vàng mã) và được khoác lên mình cái áo cổ học truyền thống (như câu các cụ ngày xưa dạy thế). Có thể coi phong thủy là một môn khoa học cổ đại có tuổi thọ rất cao, nhưng để lý giải thấu đáo và nhận định khách quan về phong thủy thật không dễ dàng! Lý do là chính nội dung lý thuyết gốc của phong thủy (cũng như mọi lý thuyết điển hình của triết học Đông phương khác) rất khó hiểu. Với hàng trăm tài liệu bí truyền, gia truyền, chân truyền và vô số đầu sách dịch từ Trung Quốc về bí kíp, chỉ dẫn, lý thuyết, thực hành, ứng dụng được phát tán khắp nơi khiến ai cũng phải nổi chí tò mò muốn thử tài năng của mình trong lĩnh vực nửa âm nửa dương này.
Tuy nhiên, nói là sách phong thủy nhưng muốn đọc hiểu được (đấy là chưa nói đến đủ kinh nghiệm và kiến thức để phân biệt nội dung đúng sai trong các cuốn sách) thì đòi hỏi người đọc phải có một lượng kiến thức cơ bản nhất định về âm dương ngũ hành can chi triết học trước đã, nếu không nhập môn vào phương pháp nào cũng thấy mê cung, không có lối ra. Vì thế, thông thường dễ 10 người đọc sách học phong thủy thì 7 người bỏ cuộc, 1 người học vài câu lăng nhăng để khoe hiểu biết, 1 người kiên trì đọc, tìm thầy hướng dẫn và 1 người tự cho rằng đã thành công, có thể hành nghề phong thủy được! Điều đó lý giải tại sao sự hiểu biết và áp dụng phong thủy vào cuộc sống mang nặng tính ma thuật, thị trường và chủ yếu là khoác lác, thổi phồng, lừa bịp. Trong một số lĩnh vực khoa học mang tính tiềm năng con người, nhưng cũng vô hình như khinh công, thôi miên, nhân điện, cảm xạ học… người ta vẫn bàn luận, tranh luận, tiến hành thử nghiệm, nghiên cứu, chứng minh thì tại sao vấn đề tồn tại lâu dài và thịnh hành phổ thông như phong thủy lại rơi vào im lặng, chỉ được phát tán sách, mà trở thành chủ đề thực tế không chính thống trong xã hội và chưa có một công trình, đề tài nghiên cứu nghiêm túc nào mang tên phong thủy? Qua thực tế, có thể nhận thấy một vài nguyên nhân như sau: - Những nhà nghiên cứu văn hóa - triết học cũng lưỡng lự, chưa khẳng định dứt khoát giữa việc tin hay không tin vào phong thủy? Nếu tin có thể sẽ mang tiếng mê tín dị đoan, còn nếu nói không tin thì sợ không kiêng sẽ không lành, vì kinh nghiệm thực tế đã chứng minh rằng, nhiều tai nạn, sự cố, hậu quả đều có vẻ nhuốm màu yếu tố phong thủy địa lý! Tốt nhất là nên tránh vấn đề này cho yên ổn. - Những nhà xã hội học và tâm lý học nhận định phong thủy là một hiện tượng xã hội có nguồn gốc từ dân gian cổ truyền, nó cũng giống như lên đồng, xem bói, rút thẻ, dâng sao giải hạn… không nổi cộm và gây tác hại lớn cho cộng đồng như AIDS, bạo lực gia đình, nghiện hút, cờ bạc… nên không cần nghiên cứu sâu và giải thích ngọn nguồn làm gì cho phức tạp thêm, mà có muốn làm gì cũng khó tìm được kinh phí tài trợ? - Đại đa số mọi người bình thường đều theo quan điểm thôi thì có thờ có thiêng, ai bảo gì nên nghe nấy, cẩn thận chỉ tốt hơn chứ chẳng chết ai. Và thế là họ dễ dàng tin theo lời phán nhảm nhí, dị đoan của thầy phong thủy (kể cả những chỉ dẫn ngây ngô, trẻ con đến mức khó tin) mà không cần hiểu ngô khoai ra sao! Nhưng, cũng chính vì sự lảng tránh sự thật khách quan này và ngại dây dưa với một tồn tại xã hội thâm niên mà phong thủy ngày càng nổi tiếng và có vai trò hữu dụng, quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội. Rất nhiều trường phái phong thủy xa xưa được khai quật, dịch thuật và in nhan nhản thành sách to nhỏ, lớn bé, dày mỏng bày bán la liệt từ hiệu sách đến vỉa hè, cửa chùa… với nội dung kiến thức sao chép, bắt chước, trùng lặp, hời hợt, rao giảng đầy vẻ thần bí, thậm chí các sách còn mâu thuẫn nhau và trong cùng cuốn sách, phần sau lại phản bác những gì phần đầu sách đã viết (xem thêm Khảo nghiệm phong thủy các số trước)? Thầy phong thủy cũng thi nhau xuất hiện viết sách và làm ăn rất phát tài, tuy các thầy nói ba chi khươn, lòe người cả tin, thiếu hiểu biết, nhưng cũng thu khá nhiều lợi lộc, có thể sống ngon với nghề! Nói cho cùng, kiến thức phong thủy dù nhảm nhí hay thần bí thì cũng chỉ là một mặt hàng, mà đã là hàng hóa thì có cung ắt có cầu và cầu quyết định cho sự thịnh vượng, phát đạt của cung (như tạo công ăn việc làm, mối hàng tốt), còn không có cầu nữa thì cung sẽ khủng hoảng thừa, tự điều chỉnh (đem hàng về nhà phục vụ đại gia đình miễn phí). Vậy mọi người cần gì và kỳ vọng gì ở phong thủy? Đấy là vì: - Người ta mong muốn chọn đất lành, tránh đất dữ cho nhà ở để gặt hái phúc lộc, tuổi thọ, an khang, hạnh phúc. - Người ta mong muốn cải tạo được vận số của mình, đạt được công danh sự nghiệp như ý và truyền danh vọng, giàu sang cho cả con cái lâu dài về sau nữa. - Người ta quan niệm bản thân gồm hai phần rõ rệt: Sống có linh hồn và thể xác, chết thành vong và cốt, người chết phù hộ người sống đến hết đời nên cần chọn chỗ chôn cất tốt để gia đình được phát phúc vĩnh cửu… Để thực hiện được những ước muốn này, người ta đặt hy vọng vào thuật phong thủy, nghĩa là người ta tin rằng chọn đúng đất tốt (mả táng hàm rồng), hướng tốt thì cuộc đời thăng hoa, tài lộc đến không kể xiết! Những kết quả tưởng tượng này bắt nguồn phần lớn từ những truyền thuyết, lời đồn đại, câu chuyện hoang đường dã sử được nhân gian thêu dệt một cách thần bí, xoay quanh một số thầy địa lý có tiếng tài giỏi. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế rằng, những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử (kể cả Trung Hoa và Việt Nam) thời phong kiến cho đến thời hiện đại đều không phải phát đạt, thành công nhờ đất tốt, mà cơ bản là sự phấn đấu bằng khả năng, kết hợp với điều kiện lịch sử và may mắn, hay nói một cách khác là được hội tụ đủ thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Nếu tìm hiểu cụ thể về ngay các nhân vật khét tiếng phong thủy trong lịch sử thì thấy rằng, chính họ cũng không lựa chọn được phong thủy cho bản thân và gia đình, nên suốt đời chỉ đi xem phong thủy cho thiên hạ thôi. Và ngày nay, kiến thức xã hội phát triển và không ngừng được nâng cao thì duy chỉ khái niệm phong thủy cơ bản cổ hủ đã có những sai lạc, rất phiến diện và sơ sài rồi.
Ví như Phong (gió) ý nghĩa gốc chỉ là gió thổi đến từ 4 phương 8 hướng, gió các mùa và đều do Thần gió tạo ra! Nhưng bây giờ ta biết rằng gió tạo ra do luồng không khí chuyển động, không chỉ có gió các hướng, các mùa và tự nhiên như giông tố, lốc xoáy, bão, vòi rồng mà còn gió nhân tạo cũng ảnh hưởng đến sức khỏe như quạt máy, gió điều hòa, gió hút do thiết kế kiến trúc; Thủy (nước) ý nghĩa gốc chỉ là mạch nước ngầm, nước sông suối, ao hồ nhưng bây giờ phải hiểu khái niệm nước bao gồm nước mưa, sương, ẩm độ, sương tuyết, nước biển, nước đóng băng; Khí theo quan niệm xưa là sự thở của vũ trụ, vận hành các nơi, có thể biến thành nước, thành sông, ẩn trong núi, dưới lòng đất. Ngày nay khoa học đã chứng minh Khí bao gồm không khí (gồm các loại nguyên tố hóa học), năng lượng vũ trụ, tia từ lòng đất, sóng hồng ngoại, sóng ánh sáng, sóng radio, sóng ngắn, sóng vô tuyến; Ngũ hành tạo nên thế giới Kim-Thủy-Mộc-Hỏa-Thổ chỉ là một số dạng vật chất trong số hơn 100 nguyên tố hóa học tồn tại trong và quanh chúng ta, được phân chia tới phân tử và nguyên tử. Vì thế, nếu sử dụng những lý thuyết của phong thủy gốc từ mấy ngàn năm trước để giải quyết, xử lý hiện trạng đất đai, nhà cửa bây giờ thì không khác gì lấy cung tên để bắn máy bay phản lực! Tuy nhiên, hầu hết các thầy địa lý phong thủy bây giờ lại vẫn đang miệt mài săn lùng long mạch và hăng say hành nghề bằng cách dùng thước Lỗ Ban, la bàn phong thủy, bùa chú để cải tạo đất - nhà đúng như phương châm vắt đất ra nước - thay trời làm mưa vậy?
Theo HNM