Kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
- Cụ thể Sở sẽ giảm thời gian thực hiện của các thủ tục, thẩm định, báo cáo kết quả ngay tuần đầu sau khi nhận đủ hồ sơ, nâng cao chất lượng công tác liên thông giữa các sở, ngành…
Sở cũng tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, thanh tra công vụ các phòng ban, đơn vị trong Sở và các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn về thực thi nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, môi trường, khoáng sản; trường hợp có vi phạm xử lý nghiêm theo quy định.
Đặc biệt, Sở tiếp tục rà soát, chủ động tham mưu cho thành phố ban hành bổ sung cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường nhằm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các tổ chức, người dân, đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, phù hợp với các Luật Thủ đô, Luật Đất đai, Nghị định mới ban hành.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thành phố đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để kết thúc năm 2013 cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các thửa đất đủ điều kiện trong năm 2013 theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Sỡ cũng sẽ rà soát, phân loại các trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai, có tính chất phức tạp khi thực hiện cấp giấy chứng nhận do chưa đủ căn cứ pháp lý để tháo gỡ xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, cùng với việc xây dựng chế tài xử lý đủ mạnh đối với các tổ chức không chịu kê khai cấp giấy chứng nhận, thành phố sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục giảm tiền thuê đất, chậm nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.
Lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp kêu rất nhiều về cấp giấy chứng nhận và đây cũng là nguyên nhân khiến chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội thấp, ông Nghĩa cho rằng do trước đây thủ tục cấp giấy chứng nhận cho tổ chức còn phức tạp, dễ gây bức xúc, đơn cử mỗi việc thẩm định hồ sơ nhưng 2 cơ quan cùng làm (Sở và quận, huyện). Tuy nhiên, thực tế cũng có nhiều đơn vị, tổ chức do có những vi phạm về quản lý, sử dụng đất nên “né tránh” không đến kê khai cấp giấy chứng nhận.
Về tiến độ cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ chung cư tại dự án, ông Nghĩa cho biết thành phố còn tồn đọng gần 180.000 hồ sơ vì vướng mắc nhiều vấn đề. Lỗi chủ yếu thuộc về chủ đầu tư dự án như nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, thậm chí xây dựng sai phép... Dự kiến trong tháng Năm này, khi Chính phủ ban hành Nghị định mới sẽ tháo gỡ được các “nút thắt” đối với các trường hợp này.
Riêng về việc cấp giấy chứng nhận cho căn hộ chung cư mini, đến nay, Hà Nội chưa cấp được giấy nào, bởi hầu hết chung cư mini đều không đáp ứng được điều kiện để cấp do xây dựng không đúng quy định pháp luật.
Xung quanh việc xử lý đối với một số hộ dân xây dựng công trình trái phép trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn (theo kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định các hộ dân này đã vi phạm trong quá trình sử dụng đất lâm nghiệp.
“Việc các hộ dân tiến hành xây dựng công trình lại càng sai. Sở Tài nguyên và Môi trường đang chờ ý kiến chỉ đạo xử lý cuối cùng từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Quan điểm chung là vi phạm phải được xử lý, bất kể là ai. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật,” ông Nghĩa nói.
Theo Vietnam+