Kiểm toán nhà nước: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều tồn tại, hạn chế
Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm toán Chuyên đề công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình); việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước đã đưa ra một số ý kiến tư vấn về các giải pháp để hoàn thiện công tác quản lý Chương trình.
Theo kết quả kiểm toán, Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ, dự án cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 02 năm 2022 - 2023 là 130.217,78 tỷ đồng với 1 nhiệm vụ và 264 dự án, đạt 99% so với hạn mức vốn nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2023, các dự án mới chỉ giải ngân được 24.143 tỷ đồng, đạt 18,4% so với tổng số vốn đã giao.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt mà Nghị quyết số 43/2022/QH15 đề ra là các chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, kịp thời, hiệu quả, thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh.
Tuy nhiên, qua thực hiện kiểm toán, bên cạnh việc chỉ ra những mặt làm được của các đơn vị, Kiểm toán nhà nước đánh giá, vẫn có nhiều hạn chế, tồn tại trong việc triển khai thực hiện Chương trình cần phải chấn chỉnh, khắc phục. Cùng với đó là những vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách mà các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần sửa đổi, bổ sung… nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý điều hành. Trên cơ sở đó giúp Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chương trình, đảm bảo các mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội, cũng như phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình.
Kiểm toán nhà nước đã đưa ra nhiều ý kiến tư vấn đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các giải pháp để hoàn thiện công tác quản lý Chương trình. Theo đó, Kiểm toán nhà nước cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu xây dựng tiêu chí về năng lực của các địa phương được phân cấp làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong trường hợp cần thiết thì ban hành để làm căn cứ cơ sở giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện nhằm chuẩn hóa năng lực của các đơn vị, đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai thực hiện các dự án.
Ngoài ra, theo Kiểm toán nhà nước, nên nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn được nêu trong cơ chế đặc thù về chỉ định thầu quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 báo cáo Chính phủ xem xét (nếu cần) trong phạm vi thẩm quyền ban hành hướng dẫn.
Đồng thời, cần rà soát, đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ vốn năm cho các dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để giao vốn triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành dự án cũng như giải ngân nguồn vốn của Chương trình; đôn đốc các địa phương kịp thời bố trí và giải ngân nguồn vốn đối ứng tương ứng tỷ lệ nguồn vốn đã cam kết.
Hơn nữa, theo Kiểm toán nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và xem xét xử lý theo quy định đối với việc chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư dẫn đến thực hiện dự án chậm, giải ngân vốn đạt tỷ lệ thấp.