Kiểm soát đặc biệt tổ chức kinh doanh chứng khoán không an toàn tài chính
Theo dự thảo, vốn khả dụng của công ty chứng khoán gồm: Vốn góp của chủ sở hữu, không bao gồm vốn cổ phần ưu đãi hoàn lại (nếu có); thặng dư vốn cổ phần không bao gồm vốn cổ phần ưu đãi hoàn lại; vốn khác của chủ sở hữu; chênh lệch đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý; chênh lệch tỷ giá hối đoái; quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ; quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được trích lập phù hợp với quy định của pháp luật; lợi nhuận chưa phân phối…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát trong các trường hợp sau:
a) Tỷ lệ vốn khả dụng từ 120% đến dưới 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong ba tháng liên tục; hoặc
b) Tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 120% đến dưới 150%; hoặc
c) Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 120% đến dưới 150%.
Thời hạn kiểm soát không quá 12 tháng, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét đưa Tổ chức kinh doanh chứng khoán ra khỏi tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong ba tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận và Tổ chức kinh doanh chứng khoán có văn bản đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc khắc phục tình trạng kiểm soát.
Kiểm soát đặc biệt
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau:
a) Tỷ lệ vốn khả dụng do công ty tự tính hoặc đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận dưới 120%; hoặc
b) Không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời hạn mười hai tháng quy định nêu trên.
c) Không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong hai kỳ báo cáo liên tiếp.
Thời hạn kiểm soát đặc biệt không quá bốn tháng, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét đưa Tổ chức kinh doanh chứng khoán ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong ba tháng liên tục…