Kiểm soát chặt nhập khẩu sắt, thép phế liệu
Hệ lụy về môi trường
Chỉ tính riêng trong tháng 11/2018, các DN Việt Nam đã chi ra khoảng 180 triệu USD để NK 500 nghìn tấn sắt, thép phế liệu (STPL) nâng tổng khối lượng mặt hàng NK này trong 11 tháng năm 2018 lên gần 5 triệu tấn, giá trị kim ngạch 1,76 tỷ USD (tăng 17,8% về lượng và tăng 41,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017).
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, để đáp ứng sản xuất, từ nay đến năm 2020, các DN sản xuất thép Việt Nam sẽ cần nhập khẩu khoảng 19 triệu tấn sắt, thép vụn. Vì vậy, VSA cũng vừa có văn bản gửi Bộ TN&MT đề xuất, cho phép các DN trong ngành thép được tiếp tục NK 1,9 triệu tấn STPL phục vụ sản xuất trong nước.
Sắt, thép phế liệu gây nhiều hệ lụy về môi trường |
Mặc dù việc sử dụng STPL làm nguyên liệu sản xuất giúp bù đắp thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và tiết kiệm chi phí, song theo tính toán, chỉ có khoảng 60 -70% phế liệu cho ra sản phẩm sắt, thép còn lại là tạp phẩm được loại bỏ trong quá trình sản xuất, đưa đến hệ lụy lớn về môi trường. Hơn thế, sắt thép phế liệu ở dạng cấu kiện, như: Máy móc, thiết bị, linh kiện, vi mạch, tàu, thuyền, dây chuyền cũ... thì không chỉ phải thêm chi phí tháo dỡ mà còn tiềm ẩn nguy cơ lẫn nhiều tạp chất, nhất là các hóa chất, dầu thải nguy hại.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có 1/3 cơ sở nhập khẩu, chế biến phế liệu sắt, thép cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà máy sắt thép trong nước chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Quản chặt là cần thiết
Dù với lý do nào, song theo các chuyên gia, trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành "siết" chặt kiểm soát các loại phế liệu NK, nhiều giấy phép NK phế liệu đã bị ngưng tái cấp phép, giấy phép NK tái sản xuất không đáp ứng các điều kiện kho bãi cũng bị ngưng cấp thì lượng STPL nhập khẩu tiếp tục tăng là điều khó chấp nhận.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã có những biện pháp phòng ngừa ngay cả với lĩnh vực thiếu tài nguyên và phải NK phế liệu phục vụ cho sản xuất. Hiện, Bộ đang tích cực thanh tra toàn diện công tác cấp phép NK phế liệu trong thời gian qua, đồng thời, tiến hành rà soát lại toàn bộ giấy phép NK phế liệu còn hạn ngạch. Thời gian tới, chỉ xem xét cấp mới giấy phép NK phế liệu cho DN chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất.
Cũng trong nỗ lực kiểm soát NK các mặt hàng phế liệu nói chung, STPL nói riêng, đầu tháng 11/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BCT quy định danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gồm một số nhóm hàng, trong đó có phế liệu và mảnh vụn sắt; thỏi đúc phế liệu nấu lại từ sắt hoặc thép.
Các chuyên gia cho rằng, DN ngành thép cần tính đến việc chuyển đổi, nâng cấp công nghệ để sử dụng nguyên liệu "sạch" hơn là trông chờ vào việc NK phế liệu để sản xuất với rất nhiều hệ lụy. |