Không để rối loạn cung – cầu thịt lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Xử lý hơn 3 nghìn vụ vi phạm trong năm 2019
“Trong năm 2019, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tương đối ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hàng cục bộ và tăng giá đột biến” - ông Nguyễn Văn Thoại – Phó Cục trưởng Cục QLTT Quảng Ninh – đánh giá chung và cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BL-GLTM-HG) giảm giảm so với cùng kỳ năm 2018, song luôn tiềm ấn nguy cơ tái diễn phức tạp. Do đó, trong năm 2019, QLTT Quảng Ninh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở cả khu vực biên giới và trong nội địa, nhất là các khu vực trọng điểm nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Hoàng Ánh Dương: Lực lượng QLTT Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó chú trọng mặt thàng thịt lợn, nhất định không để xảy ra tình trạng rỗi loạn cung – cầu mặt hàng này |
Cụ thể trong năm, Cục đã ban hành, triển khai 8 Kế hoạch kiểm tra chuyên đề; ban hành 56 văn bản chỉ đạo kiểm tra xử lý, hướng dẫn nghiệp vụ trong các lĩnh vực: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; quản lý tài nguyên, khoáng sản; gian lận thương mại; phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen; ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, tôm hùm đất; kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu… Ngoài ra, Cục cũng đã trình Tổng cục QLTT phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với 679 tổ chức, cá nhân kinh doanh và kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với 04 doanh nghiệp khác.
Kết quả, trong năm 2019, lực lượng QLTT Quảng Ninh đã kiểm tra 4.571 vụ, xử lý 3.120 vụ với 3.084 đối tượng, tổng số tiền xử phạt, và giá trị hàng hoá tịch thu, phát mại, tiêu huỷ là trên 22.4 tỷ đồng. Các Đội QLTT đã tiến hành kiểm tra định kỳ đối với 645 tổ chức, cá nhân kinh doanh; kiểm tra chuyên đề và xử lý 253 vụ và thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với 04 doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thoại: Năm 2019, QLTT Quảng Ninh đã kiểm tra 4.571 vụ, xử lý 3.120 vụ với 3.084 đối tượng, tổng số tiền xử phạt, và giá trị hàng hoá tịch thu, phát mại, tiêu huỷ là trên 22.4 tỷ đồng |
“Thực hiện Kế hoạch số 782/KH-TCQLTT của Tổng cục QLTT về cao điểm đấu tranh phòng, chống BL-GLTM-HG cuối năm 2019 và trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020, QLTT Quảng Ninh đã kiểm tra 166 vụ với tổng số tiền phạt và tịch thu, phát mại hàng hoá trị giá 2,07 tỷ đồng” – ông Thoại nói và nhận định, dù hoạt động BL-GLTM-HG cơ bản được kiểm soát, song vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn yếu tố khó lường, trong đó tập trung vào các mặt hàng “nóng”, như: thuốc lá điếu, điện thoại, mỹ phẩm, quần áo và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Vì vậy, trong thời gian tới, QLTT Quảng Ninh sẽ tiếp tục nắm chắc diễn biến thị trường, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. “Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, QLTT Quảng Ninh vẫn bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát 24/24h tại tất cả các tuyến điểm sản xuất, vận chuyển, kinh doanh trên địa bản tỉnh” – ông Thoại khẳng định.
Không để rối loạn cung – cầu thịt lợn
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Ánh Dương đánh giá cao nỗ lực và kết quả công tác của lực lượng QLTT Quảng Ninh trong năm 2019, tuy nhiên, ông Dương chỉ rõ, trong 4.571 vụ việc kiểm tra mà có tới 3.120 vụ phải xử lý cho thấy, tình trạng BL-GLTM-HG trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến rất phức tạp. Do đó, lực lượng QLTT Quảng Ninh cần tiếp tục tăng cường các giải pháp đấu tranh, xử lý, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, trong đó, khoanh vùng, cần tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, nhất là mặt hàng thịt lợn.
“Công tác đảm bảo cung – cầu thịt lợn là nhiệm vụ hết sức quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương” – ông Dương nhấn mạnh và yêu cầu, cùng với các cơ quan chức năng khác, lực lượng QLTT phải có giải pháp kiểm tra, kiểm soát nguồn cung, ngằn chặn tình trạng xuất, nhập lậu mặt hàng này không chỉ đảm bảo bình ổn thị trường mà còn góp phần ngằn chặn dịch bệnh lây lan.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thoại cho biết, toàn tỉnh hiện có 16.217 hộ / 967 thôn, khu/162 xã, phường, thị trấn/14 huyện, thị xã, thành phố nhiễm dịch với 140.683 con lợn ốm chết, buộc tiêu hủy. Song bằng nhiều giải pháp, hiện Quảng Ninh đã cơ bản khống chế dịch, đảm bảo nguồn cung thịt lợn trên địa bàn. Đến thời điểm hiện nay, giá lợn hơi đã giảm từ 10-15 nghìn đồng/kg, xuống còn khoảng 80 – 84 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, qua kiểm tra, kiểm soát, chưa phát hiện vụ việc xuất lậu lợn và thịt lợn qua biên giới song nguy cơ là có.
Trước diễn biến “nóng” này, đoàn công tác của Tổng cục QLTT đã kiểm tra tại một số điểm vận chuyển, kinh doanh lớn, như: Chợ Móng Cái, cửa khẩu quốc tế Móng Cái…
Trung tá Khổng Trung Đoàn: Không có tình trạng xuất, nhập lậu lợn và thịt lợn qua cửa khẩu Móng Cái cũng như các đường mòn, lối mở trên địa bàn nhưng vẫn còn tình trạng cư dân biên giới mua bán với số lượng ít |
Tại cửa khẩu, Trung tá Khổng Trung Đoàn - Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái – cho biết, cùng với các lực lượng khác, lực lượng biên phòng đã thực tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng xuất, nhập lậu lợn và thịt lợn qua biên giới.
“Không có tình trạng xuất, nhập lậu lợn và thịt lợn qua cửa khẩu Móng Cái cũng như các đường mòn, lối mở trên địa bàn” – Trung tá Đoàn khẳng định. Tuy vậy, theo Trung tá Đoàn, vẫn có tình trạng cư dân biên giới mua bán số lượng ít thịt lợn qua biên giới phục vụ nhu cầu của gia đình.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Khuy – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4, TP. Móng Cái – cho biết, đến thời điểm này, tình trạng xuất, nhập lậu lợn và thịt lợn qua biên giới đã được ngăn chặn, hơn nữa, giá lợn hơi Trung Quốc đang cao hơn so với giá trong nước, khoảng 100.000 đồng/kg, do sự chênh lệch giá không cao nên tình trạng xuất, nhập lậu lợn là không có. Còn tại thị trường nội địa, nhờ tăng cường các biện pháp tạo nguồn cung và kiểm soát chặt hoạt động buôn bán, vận chuyển, kinh doanh nên nguồn cung đã đáp ứng yêu cầu.
Đoàn công tác của Tổng cục QLTT kiểm tra hoạt động kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại chợ Móng Cái |
Tuy nhiên, “khi trao đổi với một tiểu thương tại chợ Móng Cái họ, chị này cho biết hiện mỗi ngày chỉ bán hết 1 con lợn nhưng nếu cần nhập hàng vẫn có thể nhập vài ba con” – ông Dương nói về kết quả cuộc khảo sát thực tế tại địa bàn và nhấn mạnh, như vậy có thể khẳng định nguồn cung thịt lợn không còn căng thẳng, tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ nguồn cung này từ đâu, có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ hay không.
Lưu ý trên địa bàn tình Quảng Ninh, ngoài các cửa khẩu quốc tế, quốc gia thì có còn rất nhiều đường mòn, lối mở với địa hình rất phức tạp. Đây chính là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ xuất, nhập lậu hàng hoá, trong đó có lợn hơi và thịt lợn.
“Lực lượng QLTT Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó chú trọng mặt thàng thịt lợn, nhất định không để xảy ra tình trạng rỗi loạn cung – cầu mặt hàng này” – ông Dương đề nghị và bổ sung, QLTT cũng cần tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng khác để đảm bảo công tác kiểm soát thị trường, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.