Không có “vùng cấm” trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
Phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm
Thông tin tại Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng năm 2022 một số tỉnh khu vực phía Bắc ngày 11/11, trong 9 tháng năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương khu vực phía bắc đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm quản lý, ổn định thị trường, an sinh xã hội; chỉ đạo các ngành, lực lượng, đơn vị, địa phương quản lý địa bàn, tăng cường tuyên truyền, kịp thời, kiểm tra, xử lý nghiêm các thông tin đường dây nóng, báo chí phản ánh về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa bàn.
Đơn cử, trong 9 tháng của năm 2022, lực lượng phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 13 tỉnh khu vực phía Bắc đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm cùng số vụ án hình sự bị khởi tố tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp, khó lường tại không chỉ các tỉnh biên giới.
Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng năm 2022 một số tỉnh khu vực phía Bắc |
Điển hình, vụ việc ngày 10/6, tại khu 7, phường Nông Trang, thành phố Việt Trị, tỉnh Phú Thọ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Phú Thọ bắt quả tang đối tượng Vàng A Lềnh (sinh năm 1991, ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đang có hành vi vận chuyển trái phép 30 bánh heroin, có tổng trọng lượng trên 10,3kg để bán kiếm lời. Cơ quan công an đã tạm giữ 1 xe ôtô nhãn hiệu Santafe, biển kiểm soát 30E-87699 mà đối tượng dùng để vận chuyển số ma túy trên cùng 1 điện thoại di động và 12 triệu đồng tiền mặt. Lực lượng chức năng xác định đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào vào nội địa các tỉnh của Việt Nam để tiêu thụ.
Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hoạt động gian lận về thuế, vi phạm về giá, lợi dụng môi trường thương mại điện tử để kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... tuy không phức tạp nhưng diễn ra trên hầu hết các địa bàn, nhất là ở khu vực đô thị, các địa bàn trọng điểm các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Đơn cử, tại 13 tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, thời gian qua đã ghi nhận 15.631 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 11.478 vụ, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, lậu là 3.551 vụ; gian lận thương mại, gian lận thuế 9.154 vụ; hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ 267 vụ. Các địa phương đã khởi tố 2.764 vụ án hình sự, tăng 450% so với cùng kỳ năm 2021, với 3.268 đối tượng, tăng 780% so với cùng kỳ năm 2021; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 429,3 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm
Thông tin tại Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng năm 2022 một số tỉnh khu vực phía Bắc, đại diện Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cho biết, thời gian qua, các tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, bộ, ngành trung ương, Văn phòng Thường trực về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Riêng đối với Lào Cai, ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai khẳng định, địa phương đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm, của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, các huyện, thành phố, thị xã trong việc kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, kiềm chế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiên quyết không để hình thành điểm nóng, vụ việc nổi cộm về buôn lậu; đảm bảo an ninh trật tự, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, một số đơn vị, địa phương vẫn gặp khó khăn, vướng mắc. Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Điện Biên, nhiều đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn thường hoạt động một cách khép kín theo dòng họ, gia đình và phân công theo từng mắt xích cụ thể, do đó, việc thâm nhập vào các đường dây này để phá án là hết sức khó khăn.
Chống buôn lậu trên tuyến biên giới |
Bên cạnh thị trường truyền thống, đối với hoạt động thương mại điện tử, đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ còn nhiều kẽ hở, hầu hết vi phạm chỉ xử lý được ở mức xử phạt hành chính, mức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ mạnh và chưa đủ tính răn đe. Đối tượng sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm với quy mô và mức độ ngày càng lớn hơn.
Bên cạnh đó, đại diện Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cho biết, công tác giám định chất lượng hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn do các trung tâm giám định ở xa, thời gian chờ kết quả giám định để xác định hành vi vi phạm quá lâu ảnh hưởng đến việc thiết lập hồ sơ xử lý (đặc biệt là đối tượng vi phạm không có điều kiện để ràng buộc).
Do đó, để khắc phục những khó khăn tồn tại trong phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại tại các địa phương, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Thanh Hải yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất.
Để tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các địa phương xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có biểu hiện bao che, tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, trên tuyến biên giới, do phía Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng hệ thống hàng rào kiên cố tiếp giáp với 6 tỉnh phía bắc nên các đối tượng cũng thay đổi phương thức, lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động xuất nhập cảnh người, phương tiện để buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm; buôn lậu, gian lận thương mại các nhóm mặt có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các địa phương cần tăng cường phối hợp xử lý của tất cả các lực lượng chức năng, chia sẻ các thông tin; bên cạnh đó, vận động người dân tham gia tố giác tội phạm và cung cấp số điện thoại, email của Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành để người dân cùng tham gia tố giác tội phạm trong buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các địa phương cần làm tốt công tác truy cứu, điều tra để truy nguồn gốc của hàng giả, nhất là đối với hàng dược phẩm, xăng dầu giả không bảo đảm chất lượng; Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc nêu lên những vụ việc vi phạm cũng như vận động người dân tham gia tố giác tội phạm; đồng thời có các phương tiện, các trang thông tin để báo cáo, phản ánh đến cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các ngành, địa phương tập trung kiểm soát hàng hóa tại các tuyến đường hàng không, đường biển, đặc biệt là buôn lậu qua đường biên giới vào dịp cuối năm; tập trung vào các mặt hàng như: Pháo nổ, thuốc lá điếu, xăng dầu, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại, thiết bị công nghệ, quần áo, giày dép, rượu, bia, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng thiết yếu... Đồng thời, các địa phương cần có cơ chế trao đổi, phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp, hiệu quả; tăng cường trao đổi thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo xây dựng và phát động thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão.