Thứ hai 25/11/2024 03:53

Khởi tố 474 vụ án liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội.

Bộ Công an vừa có Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hộivề một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cần giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao

Báo cáo cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, nổi lên là tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”... Bên cạnh đó, xuất hiện một số băng nhóm do đối tượng là người nước ngoài cầm đầu tổ chức tấn công vào hệ thống ngân hàng; sử dụng các thiết bị giả trạm thu phát sóng di động (BTS) nhắn tin để đánh cắp thông tin, lừa đảo; tổ chức lôi kéo người Việt Nam sang các nước để lập các đường dây, ổ nhóm phạm tội sử dụng công nghệ cao vào trong nước, tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan công an Việt Nam.

Về tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên mạng, nhiều hình thức quảng cáo đánh bạc trực tuyến trên không gian mạng bằng tiếng Việt diễn ra công khai nhằm lôi kéo người chơi với nhiều thủ đoạn mới ngày càng tinh vi.

Đồng thời, đã phát hiện, triệt phá các vụ tổ chức đánh bạc, đánh bạc với thủ đoạn mới; các trang web đánh bạc có máy chủ đặt ở nước ngoài được các đối tượng trong nước câu kết với các nhà cái ở nước ngoài tổ chức “phát mạng” về Việt Nam, lập ra các đại lý phân cấp từ cao xuống thấp và chia tiếp thành nhiều nhánh cho người chơi theo mô hình đa cấp, khi bị phát hiện, các đối tượng cấp trên lập tức khoá mạng, xoá dữ liệu trong tài khoản cá cược.

Việc trao đổi, bàn bạc chủ yếu thông qua điện thoại thường xuyên đổi số, sử dụng sim rác, hoặc qua mạng xã hội và các ứng dụng, phần mềm gọi, nhắn tin trên nền tảng di động có tính bảo mật cao; thường xuyên thay đổi chỗ ở, sử dụng địa chỉ giao thức của Internet (IP) ảo, liên tục thay đổi mật khẩu tài khoản đánh bạc… gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, mặc dù thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước, nổi lên với các thủ đoạn như: Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng trên thị trường ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền “ảo”, vàng “ảo”, ngoại tệ “ảo”, dự án bất động sản... hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo.

Cùng với đó, đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến, nhận việc làm tại nhà, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng, sau đó được nhận tiền công cộng với lãi đơn hàng và tiền thưởng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, người lao động bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.

Lợi dụng hoạt động cho vay trên mạng, nhất là vay ngang hàng (P2P Lending) hoặc cố tình chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác để tạo cớ dẫn dụ nạn nhân vay tiền, cam kết thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp, với lãi suất lên tới 90% -100% nhằm chiếm đoạt tiền.

Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại bằng cách gọi điện tư vấn chuyển đổi hoặc nâng cấp sim điện thoại sang mạng 4G miễn phí, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội.

Thông qua hoạt động thương mại điện tử để rao bán hàng giả, hàng nhái, đặc biệt lợi dụng tình hình dịch bệnh đăng tin chào bán, quảng cáo vắc-xin Covid-19; rao bán các mặt hàng cấm như: Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất gây nghiện, giấy tờ giả, xương động vật quý... để chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử để giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước, bảo hiểm xã hội, tổ chức, ngân hàng, doanh nghiệp nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc giả mạo cung cấp thông tin, hỗ trợ cộng đồng hoặc khách hàng liên quan dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện qua giao thức Internet (VoIP) để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt…

Cũng theo Bộ Công an, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền, cảnh báo người dân chưa được triển khai một các đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Nhiều hình thức đánh bạc hoạt động truyền thống có xu hướng sang hoạt động trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để thực hiện thuận tiện, bí mật hơn; khó xác định, ngăn chặn, thu hồi dòng tiền, tài sản có nguồn gốc từ đánh bạc chuyển dịch ra nước ngoài...;

Còn tình trạng “SIM” rác, mua bán tài khoản ngân hàng; chưa có giải pháp quản lý các cuộc gọi VOIP để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản... Công tác hợp tác quốc tế, phối hợp đấu tranh xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, các nước bạn hợp tác hạn chế, hỗ trợ thiếu hiệu quả với các yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm của Công an Việt Nam.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên là do: Công tác quản lý nhà nước có nơi, có lúc, nhất là tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, ngân hàng, còn thiếu chặt chẽ là điều kiện phát sinh tội phạm; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện hoặc chưa có cơ chế quản lý, dẫn tới công tác phối hợp, áp dụng pháp luật giữa các đơn vị còn nhiều khó khăn;

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, ngân hàng thường chậm trễ trong việc thực hiện các yêu cầu tra cứu, xác minh địa chỉ IP, cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng Công an; thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng ngày càng tinh vi, khó phát hiện trong khi các trang web có máy chủ thường được đặt ở nước ngoài...

Dự kiến, ngày 10/8/2022, tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ trả lời chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an. Cụ thể, công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.

Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Ngoài trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Khoa học và công nghệ

Tin cùng chuyên mục

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ vụ Công ty Viên Phát Vinh có dấu hiệu buôn lậu

Kỷ luật khiển trách đối với Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi

TP. Hồ Chí Minh: Biển quảng cáo sai phép chình ình ‘trên đầu’ cây xăng

Công ty sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Hà Tĩnh bị cưỡng chế thuế hơn 9,8 tỷ đồng

Công an Thanh Hóa bắt giữ nhiều đối tượng trong đường dây trộm cắp xe máy liên tỉnh

Công an Bình Dương bắt tạm giam đối tượng Bùi Tiến Lợi

Cục Thuế tỉnh Sơn La công khai danh sách 62 người nộp thuế nợ tiền thuế

CEO Vương Long đăng video thứ 2 xin lỗi doanh nghiệp, muốn được rút kinh nghiệm

Đà Nẵng: Khởi tố Tổng Giám đốc Công ty GFDI Nguyễn Quang Hoàng cùng các đồng phạm

Bạc Liêu: Công ty CP tư vấn xây dựng Tiến Hưng bị cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn

Bà Rịa - Vũng Tàu: Bắt đầu cưỡng chế 2 resort ở Bãi Sau

TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện nhiều vi phạm tại Công ty Gas Châu Minh Phong

Quảng Bình: Khởi tố 9 giám đốc, trưởng ban quản lý dự án

Hà Tĩnh: Công ty Đầu tư và Xây dựng Sơn Hà HT bị cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn

Công an Thanh Hóa ra quân bắt, vận động đầu thú và thanh loại 27 đối tượng truy nã

Cục Hải quan TP. Cần Thơ công khai 13 doanh nghiệp nợ thuế

Người phụ nữ ở Hà Nội bị 'ông bố đơn thân' lừa gần 4 tỷ đồng

Làm rõ nguyên nhân bé gái 7 tuổi tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành

Thanh Hóa: Tạm giữ hình sự đối tượng say rượu, gây tai nạn giao thông, chống người thi hành công vụ

Công ty CP Du lịch Hồ Nam Bạc Liêu bị cưỡng chế thuế, trích tiền từ tài khoản tại 4 ngân hàng