Huy động tối đa các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông Nam Bộ
Đây là nhận định chung của các nhà khoa học, nhà quản lý cùng các chuyên gia trong Hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ: Vấn đề và giải pháp phát triển”, diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 29/6.
Hạ tầng quá tải kìm hãm sự phát triển, tăng trưởng kinh tế
Tại hội thảo các nhà khoa học và chuyên gia đều cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên trên các tuyến đường nối từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là yếu tố kìm hãm sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của toàn vùng. Theo quy hoạch tỷ lệ đất dành cho giao thông phải đạt 20%-26% đối với đô thị trung tâm, 18%-23% đối với đô thị vệ tinh, 16%-20% cho các thị trấn, nhưng hiện nay chỉ chỉ đạt khoảng 9%.
|
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - cho hay, trong những năm qua, hạ tầng và giao thông đang tạo ra động lực mới cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL như: các tuyến đường vành đai; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận; cầu Cần Thơ…
Tuy nhiên, hiện hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ đã và đang quá tải. Sự quá tải này song hành với việc tăng dân số và xu hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Theo báo cáo của TP. Hồ Chí Minh, cứ mỗi 5 năm, TP lại tăng thêm 1 triệu người. Còn theo một nghiên cứu khác, dự báo dân số của khu vực ĐBSCL sẽ tăng từ 18 triệu hiện nay lên khoảng 30 triệu năm 2050. Đây sẽ là áp lực lớn đối với môi trường sống, giao thông, nhà ở, hạ tầng đô thị cho cả vùng.
“Đến thời điểm này, hạ tầng giao thông hiện hữu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu và là là “điểm nghẽn” cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh,thành Nam Bộ” - PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Các nhà khoa học, chuyên gia thảo luận, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ "điểm nghẽn" về giao thông tại hội thảo |
Trong khí đó, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện Trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) - cũng cho biết, hiện nay, việc kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh - Tây Nam bộ và Đông Nam bộ dù đã được quy hoạch tương đối đầy đủ nhưng việc triển khai đầu tư còn hạn chế và chưa đồng bộ nên đang gây ra tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông cho khu vực này.
Để giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ, “Quốc hội và Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng các Quy hoạch liên quan đến ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt trong giai đoạn trước đây để triển khai công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch và đề xuất các dự án đầu tư của ngành GTVT. Đồng thời, bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng GTVT kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ” - ông Lê Đỗ Mười cho biết.
Cần cơ chế chính sách mới, thu hút nguồn lực phát triển giao thông
Đánh giá về thực trạng hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Ngọc Đông - cho biết, hành lang pháp lý cùng cơ cấu tổ chức hiện còn nhiều bất cập, trong khi việc đầu tư theo quy hoạch trước đây không đồng bộ. Do đó, những giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông cần có định hướng, phương án cụ thể…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh - Lê Thanh Liêm - Kiến nghị Trung ương xây dựng Luật Đầu tư đối tác công tư để phát triển giao thông |
Nhằm nâng cao năng lực hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, TS. Dương Như Hùng (Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh), vùng Nam Bộ cần có một nhạc trưởng điều phối quản lý cấp vùng, TP. Hồ Chí Minh phù hợp với vai trò nhạc trưởng, nhưng cần phải có nguồn lực để thực hiện vai trò này.
“Trong nguồn ngân sách mà TP. Hồ Chí Minh nộp về Trung ương cần trích lại 20% để phát triển giao thông của vùng. TP. Hồ Chí Minh cần được thí điểm thu thuế bất động sản để phát triển hạ tầng GTVT, nguồn thu này sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh nâng cao năng lực phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng GTVT” - TS. Dương Như Hùng kiến nghị.
Tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Nam Bộ |
Để phát triển và tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng và giao thông hiện nay, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, sẽ kiến nghị Trung ương xây dựng ban hành Luật Đầu tư đối tác công tư; bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư công. Qua đó, làm cơ sở thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công và khuyến khích kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết và hợp tác phát triển kinh tế vùng giữa các bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, ưu tiên huy động đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các hạ tầng giao thông quan trọng có vai trò động lực, liên kết vùng...
Theo quy hoạch, kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ có 5 trục đường bộ, gồm quốc lộ, cao tốc, song hành và 3 tuyến vành đai. Vùng Tây Nam bộ theo quy hoạch có 5 trục đường bộ chính là N1, N2, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau. |