Hơn 4.000 nữ chủ doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh nông sản được hỗ trợ chuyển đổi số
Theo bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, là yêu cầu tất yếu trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại và mang lại những tiện ích cho việc kết nối của cộng đồng xã hội một cách văn minh và năng động.
Doanh nghiệp do nữ làm chủ đẩy mạnh chuyển đổi số |
Trong thời gian qua, gắn với thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp", Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã tham mưu với Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tư vấn kết nối chuyên gia, từng bước đã hỗ trợ phụ nữ và nữ doanh nhân tiếp cận với chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Hiện đã có hơn 4.000 nữ chủ doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm được tham gia các chương trình đào tạo tập huấn, tiếp cận và thực hiện quy trình số hoá dữ liệu, ứng dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp; quản lý sản xuất kinh doanh chuyển từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến để có hiệu quả cao hơn; 1.870 doanh nhân nữ được hỗ trợ kỹ năng kinh doanh online, tiếp thị liên kết và xây dựng gian hàng trên các kênh mạng xã hội tiktok, facebook, Zalo và tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, lazada…
Đơn cử, mô hình trang trại giun quế GHT của bà Nguyễn Thị Liên (huyện Sóc Sơn), trong suốt 18 năm hình thành và phát triển, trang trại của bà Liên đã kết hợp việc chăn nuôi gia súc với vi sinh nhằm đảm bảo các sản phẩm theo tiêu chí an toàn thực phẩm, vì vậy chất lượng các sản phẩm luôn được giữ vững và người tiêu dùng ưa thích.
Các sản phẩm của GHT đã được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc và sản phẩm được khẳng định chất lượng, thương hiệu, cam kết của nhà sản xuất và chỗ đứng trên thị trường. Đến nay các sản phẩm của trang trại đã được UBND Thành phố cấp giấy nhận đạt 3 sao. Đồng thời hệ thống đã cung cấp hơn 20 cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội, hơn 200 khách hàng trực tiếp phục vụ trên hệ thống bán lẻ và một số của hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh/thành Bắc Ninh, Hải Phòng…
Theo số liệu thống kê của Hà Nội, phụ nữ Thủ đô chiếm trên 50% dân số, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm gần 30%; chủ hộ kinh doanh, giám đốc hợp tác xã là phụ nữ khoảng 78%, chiếm đa số trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm. Do đó, các cơ quan chức năng xác định việc hỗ trợ phụ nữ thực hiện chuyển đổi số trong kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội là một nhiệm vụ quan trọng của thành phố.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022. Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại địa chỉ: https://hotrodoanhnghiep.cds.hanoi.gov.vn/KhaoSatCDS/KhaoSatMucDoCDS |