Thứ hai 25/11/2024 07:14

Hội thảo quốc tế chuyển đổi năng lượng công bằng và mục tiêu phát triển bền vững

Chiều 26/5 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế chuyển đổi năng lượng công bằng và mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Hội thảo do Bộ Ngoại giaoViệt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức. Sự kiện nhằm tăng cường hợp tác, khuyến khích chuyển giao kiến thức và thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Hội thảo có sự góp mặt của các đại biểu cấp cao từ chính phủ ba quốc gia có quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETPs) – Nam Phi, Indonesia và Việt Nam – cũng như đại biểu đến từ bảy quốc gia đang phát triển khác có mối quan tâm mạnh mẽ đến quá trình chuyển đổi năng lượng, nhằm tạo ra một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau.

Toàn cảnh hội thảo

Ngoài ra, hội thảo cũng quy tụ đại diện của Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG), Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ), các đối tác phát triển, các bộ ngành chủ chốt của Việt Nam và các đại biểu từ 63 tỉnh thành, cùng các bên liên quan khác, nhằm thúc đẩy đối thoại và tăng cường hiểu biết vì một quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng nhanh chóng và bền vững.

Sự kiện cấp cao này nhằm tăng cường sự phối hợp quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh hợp tác Nam-Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng; đồng thời, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau về tài chính giữa các bên liên quan gồm các nhà tài trợ, các thể chế tài chính, khu vực tư nhân và chính phủ. Hội thảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các khía cạnh “công bằng” trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời mong muốn hỗ trợ các nỗ lực chuyển đổi năng lượng giữa các quốc gia và thúc đẩy các chương trình và mục tiêu chuyển đổi năng lượng quốc gia.

Để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, các nước đang phát triển cần có sự hỗ trợ quốc tế về nhiều mặt dưới hình thức tài chính, công nghệ, kiến thức và xây dựng năng lực để khử các-bon nền kinh tế một cách hiệu quả và thiết lập lộ trình phát triển các-bon thấp.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt bày tỏ lo ngại trước các tác động gia tăng của biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu cũng như ở Việt Nam, từ đó khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Thứ trưởng đề cao các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và quyết định tham gia Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số nước G7 và đối tác quốc tế khác nhằm vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, vừa chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng cần bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm người dân được tiếp cận năng lượng với giá cả phải chăng, hỗ trợ cho những người bị tác động bởi quá trình chuyển đổi.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng cần công bằng, theo đó, mỗi quốc gia cần quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau, các quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính trong quá khứ cần thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình và hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực, chuyển đổi năng lượng tại các nước đang phát triển cần có lộ trình phù hợp và tính đến điều kiện và hoàn cảnh của từng quốc gia. Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm đối với các nỗ lực chuyển đổi năng lượng công bằng.

Chương trình hội thảo bao gồm ba phiên: Phiên 1 tập trung nội dung về việc quản trị, lập kế hoạch và đầu tư trong quá trình thực hiện JETP, bao gồm cả việc thành lập Ban thư ký JETP ở Indonesia, quá trình xây dựng Kế hoạch đầu tư JETP ở Nam Phi và các ưu tiên tổng thể. Phiên 2 đi sâu vào tài chính, kỹ thuật và những cân nhắc “chính đáng” cũng như các khía cạnh xã hội để thực hiện chuyển đổi năng lượng. Phiên 3 cung cấp nền tảng cho các cuộc thảo luận toàn thể, trong đó chia sẻ quan điểm đa dạng từ các bên liên quan khác nhau, cũng như tạo cơ hội thảo luận về con đường phía trước khi chúng ta cùng nhau thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng một cách công bằng và toàn diện.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết “Tài chính về khí hậu và sáng tạo - cả trong và ngoài nước, cả khu vực tư và khu vực công - có tầm quan trọng hàng đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Các chính phủ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân bằng cách đưa ra các cơ chế định giá và quy định minh bạch, cũng như thông qua các khoản đầu tư công chiến lược vào cơ sở hạ tầng thiết yếu”.

Bên cạnh đó, bà Ramla Khalidi cũng cho biết “Đối với các nước đang phát triển, quá trình chuyển đổi năng lượng cần phải công bằng và dựa trên sự bình đẳng để họ có thể chuyển đổi bền vững sang nền kinh tế các-bon thấp và thiết lập quỹ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi năng lượng phải công bằng và toàn diện cho người lao động, cộng đồng địa phương và những người bị ảnh hưởng thông qua việc tạo ra các cơ hội kinh tế mới, tạo việc làm và đào tạo lại kỹ năng, xây dựng năng lực và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội”.

Bên lề hội thảo, chia sẻ góc nhìn của mình về Chương trình chuyển dịch năng lượng công bằng(JETP) bà Alice Carr- Giám đốc điều hành GFANZ cho biết: Theo góc nhìn của tôi, JETP là một công cụ để biến các nỗ lực về quy hoạch thành hiện thực và kết nối các bên liên quan trong và ngoài nước với nhau. Quá trình chuyển dịch năng lượng có nhiều thách thức nhưng JETP có nền tảng để đưa các bên vào một hình thức hợp tác để cùng giải quyết vấn đề. Từ quy hoạch vĩ mô đến nay chúng ta cần những dự án tốt để có thể thu hút đầu tư. Để thực hiện chuyển dịch năng lượng chắc chắn cần đầu tư, JETP có thể giúp Việt Nam tìm được những nguồn tài chính công hỗ trợ chuyển dịch, đồng thời huy động tài chính tư đủ hấp dẫn, nhưng quan trọng là phải có dự án tốt để tận dụng được cả hai nguồn vốn này.
Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Chuyển đổi năng lượng

Tin cùng chuyên mục

Hai doanh nghiệp lớn bắt tay hợp tác phát triển hệ thống trạm sạc xe điện toàn quốc

Cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ được quy định ra sao?

Tổng Giám đốc EVNNPC làm việc với UBND tỉnh và PC Sơn La

Quy định thương nhân phân phối không mua bán xăng dầu lẫn nhau: Không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường

Công ty Thủy điện Quảng Trị: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?

Một quốc gia châu Âu tiếp tục nhận khí đốt từ Nga sau khi ‘đóng van’ với Áo

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Bài 1: Bài học lịch sử, nhiệm vụ lịch sử