Hội đồng Vàng Thế giới: Giá vàng khó đoán định
Theo đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới, thị trường vàng toàn cầu đã có một khởi đầu vững chắc cho đến năm 2022, với nhu cầu quý đầu tiên (không bao gồm thị trường OTC) tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn ETF mạnh mẽ cũng phản ánh trạng thái của vàng là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn trong thời kỳ địa chính trị và kinh tế bất ổn hiện nay.
Tại Việt Nam, cùng với sự phục hồi của nhu cầu vàng toàn cầu, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tăng từ 18,6 tấn trong quý IV/2021 lên 19,6 tấn trong quý I/2022, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tổng nhu cầu về vàng thỏi và đồng xu vàng tăng 4%, từ 13,5 tấn trong quý đầu của năm 2021, lên 14 tấn trong cùng quý năm 2022 và nhu cầu đồ trang sức tăng 10%, từ 5,1 tấn trong quý I/2021 lên 5,6 tấn trong quý I/2022.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc diều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng Thế giới, cho biết: Lạm phát gia tăng và sự suy yếu của tiền đồng ở Việt Nam đã làm tăng sức hấp dẫn đối với vàng thể hiện qua phí bảo hiểm trong nước cao.
Bên cạnh đó, cùng với sự phục hồi của hoạt động kinh doanh về mức trước dịch Covid-19 thì các lễ hội địa phương bao gồm dịp Tết Âm lịch, Ngày lễ Tình nhân và Ngày vía Thần tài đã hỗ trợ nhu cầu trang sức tăng so với năm ngoái.
Ngày Vía thần tài là dịp người dân Việt Nam có nhu cầu lớn về vàng |
Nhận định về nhu cầu vàng và xu hướng của giá vàng trong thời gian tới, ông Andrew Naylor cho rằng, trên thị trường thế giới, sau thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm, tương đương mức tăng lãi suất cao nhất kể từ tháng 5/2000, giá vàng hiện vẫn khó đoán định.
Bởi, thông thường lãi suất USD tăng, giá vàng sẽ giảm nhưng trong bối cảnh cảnh hiện nay, giá vàng được quyết định tăng hay giảm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình hình địa chính trị và lạm phát đang cao trên toàn cầu.
“Với diễn biến của lạm phát Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới trong thời gian qua cùng dự báo chưa thể hạ nhiệt trong thời gian tới thì mặt hàng kim quý là vàng vẫn còn được hưởng lợi, dự báo sẽ tăng trưởng khi nhà đầu tư tìm đến hầm trú ẩn vàng” - ông Andrew Naylor nhận định.
Bên cạnh đó, việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới có tiếp tục tăng lượng vàng dự trữ hay không cũng có thể tác động đến giá vàng trong ngắn hạn. Chỉ riêng quý I/2022, nhu cầu tích trữ vàng của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng lên khoảng 84 tấn (tương đương tăng 22%).
Tại các quốc gia châu Á, theo ông Andrew Naylor, giá vàng còn phụ thuộc vào một yếu tố nữa, đó là khi giá vàng tăng cao người tiêu dùng tại các quốc gia này thương lại bán vàng để kiếm lợi nhuận, tiêu biểu như ở Thái Lan và Nhật Bản.
Tại Việt Nam, yếu tố này ít hơn vì người tiêu dùng Việt Nam thương có nhu cầu mua vàng để tích trữ. “Mỗi thị trường, mỗi quốc gia sẽ có một nét văn hóa và thói quen của người tiêu dùng khác nhau nên bên cạnh sự tác động của giá vàng thế giới thì nét văn hoá, thói quen này sẽ tác động đến giá vàng của mỗi nước” - ông Andrew Naylor nói.
Đối với xu hướng tiêu dùng vàng trong thời gian tới, đại diện Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, người tiêu dùng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đồng nghĩa với việc nhiều họ sẽ xem xét lại cách chi tiêu nên nhu cầu tiêu dùng sẽ không cao.
Ngược lại, thì nhu cầu đầu tư dự báo sẽ vẫn tăng mạnh do sự kết hợp của lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu vàng giữa các nhà đầu tư.