Hoàn thiện kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương
Tại Công ty Điện lực Lâm Đồng (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), ngày 30/9, Thanh tra Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ 2022-2023 về "Nghiên cứu giải pháp hoàn thiện công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương".
Chủ trì hội thảo, TS Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương nêu rõ, hơn 75 năm qua (1945-2021), Thanh tra ngành Công Thương không ngừng phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển của đất nước.
TS. Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo |
Thanh tra Bộ đã giúp lãnh đạo Bộ Công Thương tiến hành nhiều cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, phát hiện những sai sót, vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Một số vụ việc đã được chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền; giúp lãnh đạo Bộ xử lý nhiều vụ việc tố cáo, khiếu nại, góp phần ổn định tổ chức, lành mạnh các quan hệ xã hội. Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã phát hiện được nhiều sai phạm của các tổ chức cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành.
Theo báo cáo kết quả hoạt động của Thanh tra Bộ trong những năm gần đây, kế hoạch thanh tra hàng năm của Bộ Công Thương được xây dựng theo đúng thời gian quy định, bám sát định hướng và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; chủ động xác định đối tượng thanh tra và các nội dung thanh tra. Mặc dù việc xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm của Bộ Công Thương đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện theo đúng quy định nhưng vẫn còn tình trạng trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành.
Việc trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan đã tác động đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; qua đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, rất cần những ý kiến đóng góp tại hội thảo để góp phần hoàn thiện công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương.
Tại Hội thảo, các thành viên tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến cho Đề tài khoa học cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn.
Chánh Thanh tra Sở Công Thương Lâm Đồng Thái Quang Hưng nêu ý kiến tại Hội thảo |
Ông Phan Sỹ Duy, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng đọc tham luận |
Ông Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) phát biểu) |
Về phương diện lý luận, đến nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về phương diện lý luận, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phạm vi, đối tượng, nội dung, tiêu chí cụ thể, phương thức, trình tự, thủ tục, cơ chế phối hợp, các yếu tố tác động trong và ngoài..v.v. đối với công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương.
Do vậy, việc nghiên cứu lý luận về những vấn đề này một cách toàn diện là cấp thiết nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho việc phân tích, đánh giá những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn, các yêu cầu khách quan đặt ra cho việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương trong bối cảnh hoạt động quản lý nhà nước của ngành Công Thương có nhiều thay đổi và xu hướng hoàn thiện phương thức thanh tra là công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước ngày càng rõ nét hơn.
Về phương diện pháp lý, với đặc thù là bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực nên các quy định pháp luật thanh tra nói chung áp dụng đối với ngành Công Thương không bao quát được hết những tình huống phát sinh từ yêu cầu thực tiễn. Điều này thể hiện với thực trạng pháp luật thanh tra còn thiếu hoặc chưa đầy đủ những quy định liên quan đến tiêu chí pháp lý – khoa học cụ thể trong lập kế hoạch thanh tra, cơ chế, biện pháp phối hợp xây dựng kế hoạch giữa các cơ quan có thẩm quyền thanh tra; hệ thống theo dõi và tiêu chí đánh giá chất lượng kế hoạch thanh tra.
Mặt khác, Luật Thanh tra 2010 quy định nguyên tắc của hoạt động thanh tra: “Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra”. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn Luật thanh tra chưa quy định đầy đủ hoặc xác lập một cơ chế phối hợp chặt chẽ và toàn diện nhằm tránh chồng chéo, cũng như xử lý tình huống trùng lặp trong hoạt động thanh tra trong khi hệ thống quản lý hành chính nhà nước hiện nay cho thấy mỗi cơ quan hành chính nhà nước đều có thẩm quyền thanh tra đối với từng lĩnh vực quản lý nhà nước của mình
Về phương diện thực tiễn, hiện nhiều Sở Công Thương phê duyệt kế hoạch thanh tra không đúng quy định, đáng chú ý một số Sở phê duyệt kế hoạch thanh tra vào quý I của năm thực hiện. Qua rà soát, tiếp tục phát hiện trùng lắp liên quan đối tượng, nội dung thanh tra. Việc xử lý chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trong hoạt động thanh tra giữa thanh tra Bộ, sở, ngành, địa phương còn lúng túng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương.
Luật Thanh tra năm 2010 hiện đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Việc nghiên cứu Đề tài sẽ góp phần giải quyết những bất cập của pháp luật, đặc biệt là những quy định liên quan đến nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, phương thức, trình tự thủ tục, cơ chế phối hợp trong công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo hoạt động thanh tra ngành Công Thương.
Từ những phân tích trên, các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ: “Nghiên cứu giải pháp hoàn thiện công tác lập kế hoạch thanh tra nhằm xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương” là nhiệm vụ cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.