Hầu đồng và nỗi lo biến tướng
Thời điểm tháng 10 (tháng 9 Âm lịch), rất nhiều di tích lịch sử rầm rộ diễn ra các khóa lễ hầu đồng như đền Chín Giếng, Mẫu Sòng Sơn (Thanh Hóa), đền Củi (tỉnh Hà Tĩnh)… bởi tháng tiệc quan.
Nhiều khóa lễ hầu đồng diễn ra tại đền Củi (Hà Tĩnh). Ảnh: Thu Thủy |
Đáng nói, nhiều lễ hầu đồng đã bị biến tướng, xa rời các nghi lễ truyền thốnggây phản cảm và bức xúc cho người dân, du khách khi tới chiêm bái, cầu an.
Theo tìm hiểu, hầu hết các khóa lễ hầu đồng phải đăng ký, đặt chỗ trước bởi mỗi khóa “hầu” thường phải mất thời gian 1 ngày, 1 đêm. Tuy vậy, lợi dụng việc đặt chỗ trước, nhiều đoàn hầu ngồi chiếm cả khu lễ bái của người dân và du khách, nhất là tại đền Chín Giếng (Thanh Hóa), đền Củi (Hà Tĩnh), cùng với đồ lễ bày la liệt từ trên ban thờ xuống các giá bên cạnh, lối đi. Việc “chiếm chỗ” nơi cửa thánh này đã khiến nhiều đoàn vào lễ vô cùng bức xúc.
Không chỉ vậy, hầu đồng hiện nay còn được nhiều đoàn “sáng tạo”, đưa nhạc ngoại lai hay các âm hưởng không phù hợp. Chưa nói, các trang phục hở hang hay không phù hợp với lối “hầu thánh” nơi chốn linh thiêng cũng được đưa vào.
Hầu đồng còn bị biến tướng sang mê tín dị đoankhi nhiều người lợi dụng nghi thức hầu đồng để phán truyền, lừa bịp những người u mê, thiếu hiểu biết gây hoang mang cũng như thu lợi tiền bạc từ đây. Thậm chí, vì mục đích trục lợi, nhiều người đã “buôn thần bán thánh”, cầu xin giải nghiệp khi bản thân đang vướng vào vòng lao lý.
Một khóa hầu đồng "chiếm chỗ" tại đền Chín Giếng (Thanh Hóa) gây nhiều bức xúc cho người dân và du khách. Ảnh: Thu Thủy |
Lợi dụng vào việc hầu đồng, nhiều người còn khuyếch trương, tạo thanh thế ở các khu di tích, khoe mẽ, so sánh “đồng giầu”, "đồng nghèo" qua các quả lễ to, lễ nhỏ hay chất vàng mã kín các ban di tích, thu hút sự chú ý của người dân và du khách bằng nhiều hành động kỳ quặc như: Ném tiền, hút thuốc nhả khói, phán truyền cả những người tới làm lễ… Trên nhiều trang mạng đã xuất hiện hình ảnh cô đồng này xô xát với cô đồng nọ, hay “con nhang” phản ứng với “cô đồng” khi phán truyền không đúng bằng lời lẽ thô tục.
Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, do xu thế xã hội hiện nay đang có nhiều biến thái khôn lường, nhất là trong tôn giáo và văn hóa. Vì thế, muốn giữ được nghi lễ hầu đồng là một nghệ thuật và trách nhiệm cao của các nhà quản lý. Với những người thực hành tín ngưỡng, không biến thái nghi lễ văn hóa này thành phương tiện cho mục đích cá nhân. Phía chính quyền cần thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, tôn trọng truyền thống, cộng đồng.
Sự biến tướng từ nghi lễ hầu đồng ngày càng đáng lo ngại, ảnh hưởng tới hình ảnh các khu di tích cũng như cái nhìn méo mó về nghi lễ này. Nếu các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn thì nạn mê tín dị đoan, núp bóng trục lợi từ nghi lễ này sẽ còn diễn ra nhiều.
Hầu đồng là nghi lễ trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh: Thu Thủy |
Theo Bộ Nội vụ, công tác quản lý nhà nước với hoạt động hầu đồng và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thuộc trách nhiệm chính của ngành quản lý nhà nước về văn hóa. Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) là cơ quan phối hợp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản hướng dẫn địa phương cũng như chấn chỉnh sự lệch chuẩn trong hoạt động này.
Bảo vệ nghi thức hầu đồng chính là bảo vệ di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Thiết nghĩ, trước hiện tượng lệch chuẩn từ nghi lễ hầu đồng, các địa phương cần nghiên cứu ban hành quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, quy định rõ không gian và thời gian được thực hành hầu đồng tại di tích nhằm bảo đảm sự trang nghiêm và không gian phục vụ khách tham quan di tích. Ban quản lý các di tích cần hướng dẫn, nhắc nhở các đoàn hầu thực hiện nghiêm quy định khi thực hiện nghi lễ cũng như theo dõi khi hoạt động diễn ra, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc hầu đồng để chiếm chỗ, ảnh hưởng các đoàn khi tới làm lễ trong di tích; ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người thực hành về giá trị của di sản, phát huy nét đẹp và lan tỏa.