Hàn Quốc đã phát triển ngành điện tử tiêu dùng như thế nào?
Hàn Quốc đã có được vị trí quan trọng trên bản đồ ngành điện tử giá trị cao trên thế giới nhờ vào đầu tư liên tục cho R&D và đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. Hiện nay, thế mạnh của Hàn Quốc là các thiết bị điện thoại thông minh, bảng hiển thị, chip, bộ nhớ, vi mạch… Thực tế, Hàn Quốc đã đưa ngành điện tử và công nghệ thông tin trở thành động lực chính cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Theo Báo cáo của Hiệp hội Điện tử Hàn Quốc, ngành công nghiệp điện tử của nước này đạt giá trị 121,7 tỷ USD trong năm 2017, tăng 10,3% so với năm trước, đưa nước này lên vị trí nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ, chiếm 6,8% sản lượng toàn cầu.
Ba nhóm sản phẩm chính của ngành điện tử Hàn Quốc là chất bán dẫn, bảng hiển thị và điện thoại di động, bao gồm cả thành phẩm, các bộ phận và linh kiện. Xuất khẩu ba mặt hàng này chiếm hơn hai phần ba tổng số hàng xuất khẩu công nghệ thông tin (CNTT) của Hàn Quốc mỗi năm. Các thị trường xuất khẩu chính gồm có Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 50%.
Ở thị trường trong nước, mặt bằng thu nhập tăng cao cộng với trình độ công nghệ của người tiêu dùng và sở thích của họ đối với các mô hình nhà ở thông minh và văn phòng hiện đại thế hệ mới đang thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Hàn Quốc, như ti vi, tủ lạnh, điều hòa thông minh…
Điện tử gia dụng chiếm khoảng 67,3% thị phần toàn bộ ngành điện tử của Hàn Quốc, tập trung chủ yếu vào nhóm dân số thu nhập trung bình và cao. Hãng nghiên cứu Goldstein Research dự báo ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Hàn Quốc sẽ đạt 15,3 tỷ USD vào năm 2024, tăng trưởng hàng năm đạt 7,6% trong giai đoạn 2017 - 2025.
Các sản phẩm công nghiệp điện tử tiêu dùng Hàn Quốc có thế mạnh gồm có: Sản phẩm hình ảnh và âm thanh; vô tuyến; máy tính xách tay; thiết bị gia dụng chính như: Điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa bát; thiết bị gia dụng nhỏ, máy chế biến thực phẩm, lò vi sóng, bàn là. Trong đó, chiếm thị phần lớn nhất là các thiết bị truyền hình, tiếp theo là hàng điện lạnh. Hàn Quốc đã rất thành công trong các chính sách hỗ trợ phát triển các công ty toàn cầu như: Samsung Electronics, LG Electronics, để cạnh tranh với các công ty toàn cầu của phương Tây và Nhật Bản. LG Electronics đã tạo ra Homechat, một ứng dụng hỗ trợ người dùng giám sát các thiết bị gia dụng của họ như tủ lạnh, bếp, máy giặt và vật dụng khác, bất cứ nơi nào thông qua điện thoại thông minh của họ. Các sản phẩm này được giới thiệu đầu tiên ở Hàn Quốc và sau đó phân phối đến các quốc gia khác. Với văn hóa tiêu dùng hiện đại, Hàn Quốc trở thành thị trường lý tưởng cho việc thử nghiệm và ra mắt các sản phẩm mới.
Tuy nhiên, thị trường các thiết bị điện tử tiêu dùng ngày càng cạnh tranh, đặc biệt là nhóm thiết bị điện tử thông minh khiến giá sản phẩm và lợi nhuận đang giảm nhanh, đặc biệt là đối với các sản phẩm phiên bản cũ. Do đó, nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc đang tìm kiếm công nghệ mới và đa dạng hóa sản phẩm. Chẳng hạn, Samsung Electronics đang phát triển một số thiết bị y tế, như các công cụ chẩn đoán điện tử thông minh.
Gần đây xu hướng bao gồm thực tế ảo (VR) trong sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng là một lợi thế bổ sung cho Hàn Quốc bằng cách đạt được hiệu quả sản xuất và chi phí thấp. Hơn nữa, các ứng dụng chơi game và giải trí của các sản phẩm đã thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng nước này.
Trong những năm gần đây, đột phá trong phát triển các thiết bị điện tử đã trở thành một trong những trọng tâm của các chính sách xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc và nhằm kết nối các ngành mà nước này có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Ví dụ các ngành công nghiệp ô tô, máy móc và xây dựng đều cần sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị điện tử và đặc biệt là ngành công nghiệp robot đang ở giai đoạn đầu phát triển ở nước này. Do đó, Hàn Quốc ưu tiên cho các hoạt động chuyển giao công nghệ và R & D từ nước ngoài để tạo lực đẩy cho ngành sản xuất các thiết bị điện tử của mình trong giai đoạn chạy đua nước rút với Nhật Bản và thậm chí là Trung Quốc.
Hàn Quốc cung cấp các điều kiện tốt cho các công ty công nghệ nước ngoài về dịch vụ gia công, nghiên cứu và phát triển (R&D) và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến CNTT, như điện toán đám mây. Ví dụ, IBM Korea đã thành lập Trung tâm điện toán đám mây tại Seoul vài năm trước, cung cấp các giải pháp tích hợp và công nghệ tùy chỉnh cho một loạt các ngành công nghiệp như tài chính và viễn thông, cũng như các cơ quan chính phủ.
Với sự xuất hiện của các công nghệ tiên tiến và đổi mới trong một loạt các ngành công nghiệp, chủ sở hữu IP Hàn Quốc đã cố gắng mở rộng thị trường nước ngoài của họ trong những năm gần đây.
Ngoài ra, để tạo ra ưu thế vượt trội trong ngành công nghiệp điện tử, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu đứng trong tốp đầu thế giới về AI vào năm 2022. Các cơ quan chính phủ Hàn Quốc và các công ty công nghệ lớn đã cam kết đầu tư quy mô lớn tương tự vào ngành công nghiệp AI của họ.
Những nỗ lực không ngừng trong nhiều năm đã giúp Hàn Quốc được biết đến trên toàn thế giới với ngành công nghiệp bán dẫn và công nghiệp hỗ trợ điện tử mạnh, cũng như công nghệ robot công nghiệp. Các tập đoàn điện tử hàng đầu của họ như: Samsung, LG và Huyndai đều đã có các kế hoạch đầu tư phát triển hơn nữa công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực này. Đặc biệt là không chỉ trên lãnh thổ Hàn Quốc mà ở những nước có các dự án FDI của họ trong ngành điện tử, ví dụ như Việt Nam.