Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân và du khách thập phương đã về cụm di tích đình, chùa Quỳnh Hoàng và đền thờ tiến sĩ Lê Đức Liêu dự lễ hội khai bút. Sau khi thực hiện các nghi thức tế lễ và rước bút, nghiên, mực vòng quanh cụm di tích, nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Giám đốc Trung tâm Thư pháp, câu đối và Hán - Nôm học TP. Hải Phòng đã viết chữ “Học”.
Theo lịch sử để lại, danh nhân Lê Đức Liêu sinh ra trong một gia đình rất nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn nhỏ tuổi. Ông được một gia đình trong dòng họ nhận làm con nuôi. Mùa xuân năm 1484 khoa thi Giáp Dần, niên hiệu Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Ông được vua thưởng yến tiệc, ban phẩm phục cho về vinh quy bái tổ.
Để được ghi danh bảng vàng, Lê Đức Liêu phải trải qua ba kỳ thi lớn là thi Hương, thi Hội, thi Đình. Nếu tính từ khoa thi Nho học chọn tiến sĩ đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam năm 1075 đến năm 1919, danh nhân Lê Đức Liêu đỗ tiến sĩ thời vua Lê Thánh Tông trị vì, đây là giai đoạn lịch sử rất cường thịnh của xã hội phong kiến Việt Nam. Đồng thời cũng là thời vua Lê rất chú trọng học vấn, tri thức, coi “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nhà vua cho tu bổ, tôn tạo Văn miếu Quốc tử giám, cho khắc bia đá lưu danh các vị đỗ tiến sĩ dựng tại Quốc tử giám để mọi người noi gương, học tập, tôn vinh. Ngày nay 82 tấm bia tiến sĩ từ thời đó và các triều vua sau này đã được xếp hạng vinh danh là di sản tư liệu ký ức của nhân loại.
Giai đoạn Lê Thánh Tông trị vì cũng là thời kỳ “vua sáng tôi hiền” việc tuyển chọn nhân tài, bổ nhiệm vào các chức vụ để phục vụ đất nước qua con đường khoa cử rất chặt chẽ, kỹ càng. Ông Lê Đức Liêu sau khi đỗ tiến sĩ được vua ban giữ chức Hiến sát. Đây là chức trưởng cơ quan thứ 2, trong ba cơ quan lớn nhất của Thừa tuyên (Thừa ty, Hiến sát ty, Đô ty). Người giữ chức vụ trên phải chọn người thanh liêm, sáng suốt, lịch duyệt, lão luyện trong lục tự, lục khoa. Nhà Bác học, sử gia Lê Qúy Đôn, trong sách “Kiến văn tiểu lục” cho biết: “Hiến sát để đàn hặc sự gian tà của quan, xét rõ sự u uẩn của dân”. Ông Lê Đức Liêu thực sự cũng đã là tấm gương sáng về cần lao khổ học thành tài cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập.
Lễ hội khai bút hôm nay có ý nghĩa bảo tồn, lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống của địa phương. Đồng thời cũng là mở đầu hoạt động lễ hội khai bút vào dịp đầu xuân đền tiến sĩ Lê Đức Liêu những năm tiếp theo. Bên cạnh lễ khai bút đầu xuân, tại cụm di tích lịch sử làng Quỳnh Hoàng còn diễn ra các trò chơi dân gian, trình diễn thư pháp, tìm hiểu và ngâm thơ chữ Hán của Bác Hồ…
Mùa xuân năm Giáp Thìn (1484) niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông, triều đình ban chiếu về làng Quỳnh Hoàng đến bến sông Vận (ngày nay là bến đò Nống) rước tân quan Lê Đức Liêu về vinh quy bái tổ. Dân làng không đến vì nghĩ rằng cậu bé Liêu mồ côi cha mẹ, nghèo khó, lam lũ không thể thành ông nghè được. Không thấy dân làng ra đón, ông trở về kinh đô để làm việc. Sau này, làng Quỳnh Hoàng có người ở kinh thành về nói chuyện ông Liêu đỗ tiến sĩ. Mọi người trong làng lấy làm hối hận. Để tri ân và học tập theo tấm gương tiến sĩ Lê Đức Liêu, nhân dân làng Quỳnh Hoàng đã xây dựng đền thờ ngài trong khuôn viên khu di tích quốc gia đình Quỳnh Hoàng. |