Hà Tĩnh: Ngăn chặn hàng giả, hàng không nguồn gốc xuất xứ là ưu tiên hàng đầu
Kiểm soát tốt thị trường nội địa
Theo nhận định của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Tĩnh, trên thị trường vẫn diễn ra các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng không có hóa đơn chứng từ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… tuy nhiên những vi phạm này chỉ với quy mô nhỏ lẻ ở một số nhóm mặt hàng chủ yếu như, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo, thuốc lá, xăng dầu, vật liệu xây dựng, phân bón…
Đơn cử một số vụ được QLTT Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng chức năng địa phương phát hiện một số vụ như vào hồi đầu năm 2021, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng An ninh kinh tế - Công an tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra cửa hàng kinh doanh tổng hợp Vip Vine do bà Hồ Thị Thu Hằng làm chủ, địa chỉ số 81 - đường Phan Đình Giót – TP. Hà Tĩnh. Qua kiểm tra phát hiện bà Hồ Thị Thu Hằng có hành vi buôn bán thuốc lá xì gà nhập lậu. Đội đã lập hồ sơ xử phạt hành chính và tịch thu 108 điếu xì gà nhập lậu.
Hay vào trung tuần tháng 4/2021, Đội QLTT số 2 kiểm tra đối với Bưu cục Chuyển phát nhanh J&T tại thị xã Hồng Lĩnh. Qua kiểm tra, phát hiện 2.294 lọ nước hoa giả mạo nhãn hiệu Chanel đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đội đã lập hồ tiến hành xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Châu, ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) về hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, phạt hành chính và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Ngày 29/7/2021 tại địa bàn huyện Nghi Xuân, Đội QLTT số 2, qua tin báo đã kiểm tra xe máy kéo tự chế mang biển kiểm soát 38N1-21102 do bà Nguyễn Thị Hiền làm chủ đang bốc xếp hàng hóa lên xe. Qua kiểm tra hàng hóa trên xe, đối chiếu với các hóa đơn, chứng từ do bà Nguyễn Thị Hiền xuất trình Đội QLTT số 2 phát hiện số hàng hóa gồm 24 hộp sữa bột Aptamil Profutura Pre loại 800g, 49 hộp sữa Aptamil Profutura1 loại 800g đều do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa ngay tại thời điểm kiểm tra. Trị giá hàng hóa ước tính là gần: 50.000.000 đồng.
Cục QLTT Hà Tĩnh tăng cường kiểm tra các đầu mối, đại lý kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo... trên địa bàn |
Việc gian lận thương mại, giả mạo nhãn hàng hiện vẫn đang là “vấn nạn” trên thị trường, đặc biệt thời điểm cuối năm các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả sẽ gia tăng hoạt động để đưa hàng hóa ra thị trường trong dịp cận Tết. Vấn nạn này không những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn tác động không nhỏ đến hàng hoá sản xuất trong tỉnh, trên cả nước, làm giảm uy tín và cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Theo Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh, các đơn vị chủ động phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, đơn vị gặp không ít khó khăn vướng mắc trong công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường do thiếu các thiết bị kiểm tra, phát hiện nhanh vi phạm về chất lượng, cụ thể là các thiết bị kiểm tra nhanh đối với chất lượng xăng dầu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Mặc dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh Covid-19, trong năm 2021, QLTT tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra 1.135 vụ, xử lý 1.103 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… với tổng số tiền xử phạt hành chính và hàng hóa vi phạm gần 5,2 tỷ đồng. Đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 8 cơ sở, tước quyền sử dụng có thời hạn 1 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đối với 1 cửa hàng. Trong đó nổi cộm nhất vẫn là các vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch; lĩnh vực giá… đã xử lý hơn 500 vụ vi phạm; y tế chống dịch đã xử lý 356 vụ vi phạm, phạt hành chính trên 600 triệu đồng với hành vi vi phạm chủ yếu về niêm yết giá…
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cận Tết
Tại Hội nghị bàn giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm, lực lượng QLTT Hà Tĩnh đặt trọng tâm nhiệm vụ trong thời gian tới là chống các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, chú trọng kiểm soát các hành vi vi phạm trên hoạt động thương mại điện tử và kiểm tra xuất xứ hàng hóa lưu thông trên thị trường. Cục QLTT Hà Tĩnh thường xuyên duy trì công tác thông tin tuyên truyền để cung cấp kịp thời đến người tiêu dùng thông tin về hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm có biện pháp đề phòng, không mua bán, tiếp tay cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Cũng theo lực lượng QLTT Hà Tĩnh, theo quy luật chung của thị trường, những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Để chuẩn bị hàng hóa Tết, thường trước Tết 3 tháng, các thương nhân trên địa bàn tỉnh dự trữ các hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ mạnh như bia, rượu, nước giải khát, lương thực, thực phẩm… Đây là thời điểm ‘vàng’ cho các đối tượng kinh doanh trái phép đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả lưu thông trên thị trường. Cùng với đó, xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh theo thời vụ, bán rong, bán hàng qua mạng, bán tại các vỉa hè, kinh doanh nhỏ lẻ. Dẫn đến khó kiểm soát với những biến động về giá cả và tình trạng vi phạm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Cự Dũng - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, đơn vị đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và kinh doanh trái phép. Với vai trò là thành viên của BCĐ 389 tỉnh, đợt cao điểm này Cục QLTT Hà Tĩnh cùng các lực lượng chức năng địa phương tăng cường phối hợp, nắm bắt, chia sẻ thông tin để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Kế hoạch cao điểm của Ban chỉ đạo chống buôn lậu quốc gia trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022…
Hiện nay, Cục QLTT đang thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhằm đảm bảo hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh các hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Qua đó, góp phần mang lại tâm lý an tâm khi mua sắm, tạo điều kiện cho nhân dân đón Tết an toàn.