Hà Nội: Xưởng may đặc biệt của những người thợ "không cần nghe tiếng nói"
Xưởng may của những mảnh đời đặc biệt
Từ những tấm vải nhiều màu sắc, cùng sợi chỉ, cây kim, xưởng may KymViet đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30 người câm điếc. Sản phẩm của những thợ may đặc biệt ấy đã gây ấn tượng mạnh với thị trường Việt và bạn bè quốc tế suốt hơn một thập kỷ qua.
Ông Phạm Việt Hoài, người sáng lập xưởng may KymViet cho biết, bản thân cũng là người khuyết tật do một tai nạn khi lên 7 tuổi, bị chấn thương cột sống và liệt hai chân. Năm 18 tuổi ông bắt đầu cùng bạn bè đầu tư làm ăn.
Công việc thuận lợi, khi có tiền tỷ trong tay thì cũng chính lúc này người đàn ông chợt nghĩ: "Những người khuyết tật khác thì sao?", "Họ có cơ hội như mình không?"
Xưởng may của những mảnh đời đặc biệt tại 123 Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) |
Trăn trở mãi, đến tháng 12/2013, ông Hoài cùng 2 người bạn khuyết tật của mình là Lê Việt Cường và Nguyễn Đức Minh lập nên KymViet với mong muốn tạo việc làm cho người khuyết tật còn khả năng lao động; thông qua đó giúp họ cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. "Tuy nhiên, ngay từ đầu tôi và các cộng sự đều xác định thành lập KymViet là Công ty cổ phần chứ không phải doanh nghiệp xã hội để kêu gọi hỗ trợ từ thiện", ông Hoài chia sẻ.
Giai đoạn hai năm đầu khởi nghiệp, "Xưởng may im lặng" gặp đầy rẫy những khó khăn, giông bão. Tài sản ban đầu của xưởng sản xuất chỉ "vỏn vẹn" là 2 chiếc máy khâu và 1 máy vắt sổ, hoạt động trong khoảng sân 5 m2 nhà thờ họ của một thành viên công ty.
Với những "tài sản" như vậy nên sản phẩm chủ đạo của xưởng chỉ là thú nhồi bông làm ra nhiều khi không bán được, doanh số cả năm 2015 chỉ hơn 200 triệu đồng. Những nhà sáng lập phải thay phiên nhau mang hàng đi hội chợ để quảng cáo, tìm kiếm đầu ra cho "đàn thú nhồi bông"...
Tất cả những người thợ ở đây đều câm, điếc. Cách duy nhất để trao đổi thông tin là sử dụng ngôn ngữ ký hiệu |
Bước ngoặt đã đến khi công ty nhận được chứng nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp Chứng nhận cấp tem hợp quy Quacert. Lúc này, khách hàng bắt đầu quan tâm và xưởng ngày càng có nhiều đơn hàng lớn.
Chỉ một năm sau, doanh thu của công ty tăng gấp 8 lần. Và ngay lập tức, ông Hoài cùng cộng sự đã chuyển xưởng về khoảng đất rộng chừng 400 m2.
Hiện nay, KymViet đã trở thành một công ty lớn mạnh với 3 cơ sở kinh doanh cà phê, trong đó 1 cơ sở kết hợp với sản xuất thú nhồi bông. Ở KymViet, những con thú làm từ đủ loại chất liệu như vải lanh, lụa, thổ cẩm… được nhồi bông hoặc cát trắng sạch từ Quảng Bình, rồi trộn vỏ quế cho thơm.
"Toàn bộ nguyên liệu sản xuất đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chúng tôi ưu tiên sử dụng các nguyên liệu tự nhiên thuần Việt như: Cát biển Nhật Lệ (Quảng Bình), quế (Quảng Nam, Yên Bái), hồi (Lạng Sơn), để sản phẩm có mùi thơm dễ chịu", ông Hoài cho hay.
Những sản phẩm thú nhồi bông với thiết kế tinh xảo được làm ra bởi những con người đặc biệt |
Bên cạnh những con thú nhồi bông, xưởng may KymViet còn sản xuất cả túi xách, gối tựa lưng, gối kê cổ. Nhìn những con thú, những chiếc túi xách, gối tựa tinh xảo, đẹp mắt, khó có thể nghĩ rằng đó là sản phẩm do những người câm điếc làm ra tại gian xưởng thủ công nhỏ.
Hiện xưởng may, làm thú nhồi bông của KymViet đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 người, chủ yếu là người khuyết tật khiếm thính (câm điếc), một số là khuyết tật vận động và thiểu năng trí tuệ với mức lương dao động từ 3-8 triệu đồng, có chỗ ăn, chỗ ngủ. Với người khỏe mạnh, khoản tiền đó không lớn. Tuy nhiên, đó là yếu tố làm thay đổi cuộc sống của những người khuyết tật đang làm việc tại đây.
"Chắp cánh" cho thú nhồi bông "bay" ra thế giới
Nói về cái tên "KymViet" ông Hoài cho biết, "Kym" trong từ "kim khâu" được viết cách điệu để tạo điểm nhấn, còn "Việt" trong tên Tổ quốc - Việt Nam.
"Không mang nhiều tầng ý nghĩa hoa mỹ, KymViet là một cái tên mang trong mình những khát khao bình dị, chỉ đơn giản là ước vọng đem niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt từ một cộng đồng nhỏ vươn ra thế giới", ông bộc bạch.
Một người thợ làm việc trong xưởng sản xuất |
Khác với các nhà xưởng sản xuất khác, toàn bộ thợ làm việc tại đây đều là người điếc. Nhưng mặc cho nhiều trở ngại, khó khăn về giao tiếp khó khăn, ở đây đã trở thành những người lao động có tay nghề giỏi. Họ luôn miệt mài, tỷ mỉ, chăm chỉ và trách nhiệm với công việc, để tạo ra những sản phẩm thủ công công phu.
Từ bộ gà tài lộc, trâu mục đồng, chú heo con ngộ nghĩnh, bộ dê an khang, bộ voi Bản Đôn, rồng Việt... với màu sắc bắt mắt, thiết kế đa dạng, đặc biệt gây ấn tượng rất Việt Nam với khách hàng.
Theo ông Hoài, việc làm ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp không chỉ để kinh doanh tốt hơn mà còn là cách ông cùng những người thợ câm điếc khẳng định năng lực làm việc không thua kém gì người bình thường, hoàn toàn có khả năng cống hiến cho xã hội. Từ đó, thay đổi góc nhìn của xã hội về người khuyết tật; đồng thời góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Mừng Tết Giáp Thìn 2024, xưởng may "trình làng" nhiều sản phẩm rồng nhồi bông, trong đó có những phiên bản rồng giới hạn tinh xảo, đẹp mắt |
Bên cạnh những sản phẩm thủ công tinh xảo, có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao phục vụ xã hội, câu chuyện nhân văn và giá trị văn hóa Việt đã góp phần đưa sản phẩm của những người khuyết tật chinh phục cộng đồng trong nước và quốc tế.
Các sản phẩm của KymViet đã được lựa chọn là tặng phẩm du khách gần xa trên chuyến bay yêu thương của Vietnam Airlines hay tham dự các sự kiện tuần văn hóa, là tặng phẩm tặng bạn bè quốc tế... Cũng từ đó, công ty của ông đã có những chuyến hàng xuất đi thị trường Mỹ. Nhiều đối tác hay khách du lịch từng "lần theo" địa chỉ trên sản phẩm, tìm tới tận xưởng tìm hiểu và đặt mua sản phẩm.
Tháng 9/2023, Hoàng gia Nhật sang thăm Việt Nam và chọn KymViet là một điểm đến của Công nương Kiko. Khi tới xưởng may, được KymViet tặng một con rồng, Công nương đã đem về trưng bày ở trong phòng khách của Hoàng gia Nhật bản.
"KymViet mong muốn qua việc này, bạn bè quốc tế sẽ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, tinh thần, giá trị con người Việt Nam thông qua hình tượng rồng của năm 2024", ông Hoài phấn khởi nói.