Hà Nội: Sản xuất đã bắt nhịp trở lại, công suất của doanh nghiệp đạt từ 50% đến 80%
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 3/2/2021 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, ngày 4/3, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra công tác sản xuất, kinh doanh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong cụm công nghiệp Ô tô 1/5 tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh.
Doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn
Ghi nhận của phóng viên tại buổi kiểm tra, 13/13 nhà máy tại cụm công nghiệp đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, có những nhà máy hoạt động cầm chừng, công suất chỉ khoảng 50% đến 80% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
Sở Công Thương Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra công tác sản xuất, kinh doanh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong cụm công nghiệp Ô tô 1/5 tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh. |
Ông Dương Minh Cường- Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường- cho hay, tình hình dịch Covid-19 quay trở lại tại Hải Dương nói riêng và nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến Công ty gặp nhiều khó khăn về lao động khi quay trở lại sản xuất vào ngày mùng 6 Tết Nguyên Đán. Mặt khác, 80% khách hàng là các doanh nghiệp FDI, dịch bệnh khiến các chủ đầu tư cẩn trọng và cân nhắc trong vấn đề đầu tư ở thời điểm này. Điều này tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.
Năm 2020, doanh thu của Minh Cường giảm 30% so với năm 2019. Đến 31/12/2020, tổng cán bộ công nhân viên của Minh Cường là 620 người, tuy nhiên, từ 17/2/2021 đến nay, lượng công nhân viên chỉ duy trì trong khoảng 550 người. Đặc biệt, từ tháng 10/2020 giá cả vật tư leo thang, giá sắt, thép tăng trên 40%, đặc biệt từ Tết Nguyên đán đến nay, trong khi hợp đồng sản xuất được ký từ trước khiến sản xuất kinh doanh thực kỳ khó khăn. Mặt khác, dịch Covid-19 khiến tính thanh khoản giữa các doanh nghiệp với nhau cũng bị ảnh hưởng rất lớn, điều này ảnh hưởng đến tình hình tài chính, dòng tiền luân chuyển doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp xuất khẩu sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gỗ sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, bà Vương Thị Thu Luyến- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thương mại và Sản xuất Thuận Phúc- chia sẻ, do tác động của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, doanh thu năm 2020 giảm 5% so với năm 2019, số cán bộ công nhân viên cũng bị giảm 25%. Đặc biệt, từ cuối năm 2020, chi phí logistics tăng cao khiến giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Thủy- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường- cho biết, mặc dù thời điểm này sản xuất có tốt lên, nhưng những rủi ro từ dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thiếu tính ổn định. Trong khi đó, chi phí logistics, nguyên vật liệu… đều tăng. Do đó, doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động chứ chưa tính đến bài toán hiệu quả.
Hoạt động sản xuất đã bắt nhịp trở lại tại Công ty TNHH may mặc An Thắng |
Nhiều kiến nghị được đề xuất
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng việc tiếp cận chính sách của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn hạn chế. Phía doanh nghiệp cũng mong nhà nước tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ như: Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ về vốn; hỗ trợ về thuế, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội… cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021.
“Cùng với việc nỗ lực tìm kiếm và thuyết phục khách hàng, Minh Cường cũng đang thúc đẩy chuyển đổi số, dự kiến tháng 4/2021 sẽ bắt đầu những bước đầu tiên trong việc chạy thử nghiệm. Phía doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có những chính sách phù hợp hơn hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí như Minh Cường, đặc biệt là chính sách về thuế, cần hỗ trợ nhiều hơn, bởi thời điểm sau Tết, dòng tiền chưa về nhiều, do đó, sẽ có thời gian doanh nghiệp sẽ bị chậm các khoản đóng góp cho nhà nước”, ông Dương Minh Cường kiến nghị.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp này đều kiến nghị Hà Nội tạo điều kiện phê duyệt quy hoạch 1/500 của khu đất cụm công nghiệp Ô tô 1/5 để doanh nghiệp tại đây ổn định và yên tâm sản xuất.
Chưa kịp gượng dậy khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, cộng đồng doanh nghiệp lại đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trước sự bùng phát trở lại của dịch. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cần sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương- cho biết, hoạt động sản xuất tại các nhà máy trong cụm công nghiệp Ô tô 1/5 cho thấy, các nhà máy đã sản xuất trở lại, tuy nhiên cường độ vẫn còn èo uột, một trong những nguyên nhân là do liên quan đến vấn đề thị trường bị đứt gãy do dịch Covid-19. Trước các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, Sở sẽ tổng hợp toàn bộ và báo cáo UBND thành phố từ đó tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kép vừa phát triển sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.
Ở chiều ngược lại, trong khó khăn của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực để từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm, bảo đảm cuộc sống cho người lao động…
Ghi nhận một số hình ảnh các doanh nghiệp hoạt động sau Tết Nguyên đán Tân Sửu tại cụm công nghiệp Ô tô 1/5
Hoạt động sản xuất đã được khôi phục |
Vẫn còn những xưởng chưa sản xuất hoạt động trở lại |
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được thực hiện đầy đủ |