Thứ năm 02/01/2025 00:50

Hà Nội – Kim Bôi đâu còn mấy xa

Đó là ý nghĩ của tôi mấy năm nay khi mỗi lần ngồi trên chiếc xe ghép cùng 2 - 3 người từ Hà Nội về quê Kim Bôi, hay ngược lại từ Kim Bôi trở ra Hà Nội...

I.

Kim Bôi là một huyện của tỉnh Hòa Bình. Chữ Hán: Kim là vàng, Bôi là chén - Kim Bôi vùng quê cái chén vàng. Tên huyện thật ấn tượng! Sinh ra và lớn lên ở đây, cũng như nhiều nhà thơ hầu như ai cũng có thơ viết về con sông quê hương mình, tôi cũng có môt bài thơ như thế: Thương nhớ sông Bôi. Bài thơ ngắn, dung dị chiết ra từ ruột gan và được nhiều bạn văn khen. Bài thơ được in trên Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình, sau đó là Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống số Tết năm trước:

Tôi sinh ra ở đây

cái làng nhỏ tựa lưng vào vách núi

sông Bôi như chiếc lạt mềm

xanh trôi trước mặt

Chiếc lạt mềm buộc chặt

thương nhớ suốt đời tôi!

Thương nhớ là vậy, nên quê hương chính là chốn đi về nhiều nhất của tôi!

II.

Cách Hà Nội chỉ chừng 80 ki - lô - mét, từ thời thuộc Pháp Kim Bôi được truyền tụng trong thiên hạ là một vùng rừng thiêng nước độc. Câu ca hãi hùng: Yêu nhau cho thịt cho xôi/ Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì…nói lên điều đó! Cho đến những năm 60, 70 của thế kỷ trước việc đi lại giữa Kim Bôi - Hà Nội mới cách trở và xa vời làm sao! Thời đó, bến xe khách Kim Liên (Hà Nội) mỗi ngày có hai chuyến xe sáng và chiều đi thị xã Hòa Bình. Tương tự, có một chuyến đi thị trấn Chi Nê thuộc huyện Lạc Thủy ở phía nam huyện Kim Bôi, cũng là huyện phía nam của tỉnh Hòa Bình giáp với Nho Quan (Ninh Bình).

Tác giả (trái) và tài xế xe ghép

Người ở các xã phía bắc Kim Bôi khi đó phải đón xe đi hai, ba chục cây số ngược lên thị xã Hòa Bình rồi sau đó chẹn chúc xếp hàng mua vé đi Hà Nội. Còn người ở các xã vùng phía nam huyện như khu vực nhà tôi ở thì phải đi mươi, mươi lăm cây số xuôi thị trấn Ba Hàng Đồi, vạ vật đứng ngồi hóng chuyến xe chiều từ Chi Nê ngược trở ra Hà Nội. Hầu như ngày nào cũng đông khách. Xe có dừng, len lách được lên thì cũng đứng như nêm mấy chục cây số cho đến bến Kim Liên.

Đi xe vào dịp trước và sau Tết thì còn hãi hùng hơn. Năm 1976, vợ chồng tôi cùng đứa con gần hai tuổi về Tết quê nội. Hôm trở ra, bến xe Kim Bôi chiều đông nghịt khách. Xếp hàng để mua được vé đã khó, còn vừa chen lấn vừa bế đứa nhỏ lên xe thì không thể! Vậy là chỉ còn cách để người nhà đứng bên ngoài nâng bổng thằng bé cho chui luồn qua cửa sổ xe. Hôm ấy thằng bé khóc ré lên giữa tiếng nhốn nháo như chợ vỡ. Rồi xe đi người ngồi, đứng chung với các bao tải đựng đủ thứ sản vật miền rừng, trong đó có mùi nước măng ngâm ứa ra khan khẳn, chua chua mới lợm họng chứ? Một chuyến xe Tết bão táp tôi nhớ mãi đến giờ…

Những năm sau khi đất nước đổi mới, bến xe Hà Đông (mới) rời về xã Yên Nghĩa, rồi bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) có nhiều chuyến xe đi thẳng Kim Bôi hoặc chạy qua Kim Bôi hơn. Xe cộ cũng được cải tiến chứ không còn “chuồng gà” như trước. Việc đi lại vì thế thuận tiện, nhanh hơn rất nhiều. Ngoài xe khách công cộng, bốn năm năm trở lại đây từ Kim Bôi đi Hà Nội xuất hiện thêm một loại hình dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu đi lại, linh hoạt về giờ giấc của hành khách: Xe ghép! Chủ nhân của những chuyến xe ghép là các chàng trai tầm trên dưới 40 tuổi, đa số là người địa phương.

Sau nhiều chuyến đi về, tìm hiểu tôi được biết họ là những người học dở dang, cùng lắm hết phổ thông trung học. Nhà nghèo, không có điều kiện học lên họ phải phiêu bạt đi tứ xứ làm phu hồ, buộc sắt thép, bốc vác gạch ngói ở các công trình xây dựng, khá hơn làm công nhân ở các nhà máy, khu công nghiêp, một số người lái taxi hay xe tải đường dài…

Biết được địa phương cũng có nhiều người đi làm thuê ở Hà Nội, các tỉnh lân cận và thường xuyên có nhu cầu đi về thăm nhà. Rồi nữa, ngoài Nhà khách Công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nơi có suối nước khoáng nóng ở xã Hạ Bì… gần đây có thêm những Serena Resort, khu nghỉ dưỡng môi trường An Lạc thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tìm đến. Ấy là chưa kể ở các xã vùng sâu vùng xa nhiều gia đình có người ốm đau đêm hôm phải đưa đi bệnh viện huyện, tỉnh cấp cứu, thậm chí bệnh trọng phải đi tận bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức ở Hà Nội. Sau đó chính các bệnh nhân này ra viện phải trở về nhà…

Nhu cầu cấp thiết là thế nên một số chàng trai từng đi khắp nơi bươn chải sức lao động của mình và tích cóp được chút vốn liếng nảy ý định trở về quê vay mượn thêm tiền mua xe ô tô bốn chỗ. Rồi thì người mua con Vios, Hyundai, khá hơn thì mua hẳn con Mada, Toyota. Họ tập hợp với nhau thành một nhóm chạy xe ghép. Lúc đầu chỉ 5 - 7 xe, dần tăng lên 15 - 20 xe. Hiện xã nào cũng có hai, ba hoặc bốn xe, cả huyện có khoảng 50 xe chạy Kim Bôi - Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Thời công nghệ 4.0, họ không khó để lập một trang thông tin liên lạc ngay và luôn cho nhau ở đâu có khách “đặt” xe, rồi “điều” người đến đón…

III.

Làng tôi một thời nghèo thế mà nay cũng có ba, bốn chàng chạy xe ghép. Mỗi lần về Kim Bôi tôi hay điện thoại cho cậu Thông - Một đứa cháu họ hàng xa gọi tôi là ông - nói rõ ngày, giờ đi. Nếu hôm có mặt quanh Hà Nội Thông đến tận đầu ngõ phố rước tôi, còn không cậu “ới” người khác đón. Các chàng tài xe ghép thường khớp giờ đón 4 người khách, thậm chí chỉ 3 người là đủ cho một chuyến đi. Từ Hà Nội, bây giờ xe có thể lướt đại lộ Thăng Long gặp đường Hồ Chí Minh rẽ sang Xuân Mai đi tiếp đến Ba Hàng Đồi rồi ngoặt ngược đường 12B về Kim Bôi. Nhưng Thông thường hỏi tôi: - Ông thích đi đường nào? Tôi lẩm nhẩm hát thay cho câu trả lời:“ Lối cũ ta về/ Đường xưa có còn…”(Thanh Tùng). Thông cười: - Ông vui tính nhi? Nhà báo, nhà văn thích hoài niệm…

Đó là đi quốc lộ 6, qua ngả Hà Đông đến Ba La rẽ trái đường 21B về Vân Đình, Tế Tiêu, Cầu Dậm sang Chợ Bến rồi Ba Hàng Đồi. Ngồi trong xe tôi hay kể với Thông hoặc cánh tài xe: Đây là những cung đường suốt những năm 70, 80 thế kỷ trước tôi đi xe đạp. Đến thập kỷ 90 thì tôi sắm đươc con xe Honda Cub 70 phân khối để lướt. Ba mươi năm không biết bao nhiêu lượt đi, về như vậy nên tôi thuộc và đọng cảm nhận riêng với từng địa danh: Chẳng hạn Bình Đà, một thời râm ran tiếng pháo nổ; hay Thanh Oai chấp chới nón làng Chuông của những người đi làm đồng hai bên đường; rồi thị trấn Vân Đình những năm sau đổi mới, nhiều quán hàng chả chó và vịt cỏ nướng bung ra - mùi thơm vấn vít phả ra đường mới hấp dẫn chứ?...

Từ Vân Đình đi tiếp lên quãng đường đê đến Tế Tiêu, gần đó là xã Hòa Xá quê hương của bài hát Chiếc gậy Trường Sơn vang bóng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đó là những năm cả nước sôi sục đánh Mỹ, đi ngang đây thấy lòng rạo rực khi nghe từ những chiếc loa bên đường với giọng hát hào hùng của ca sĩ Quốc Hương: Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường sơn/ Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi/ Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui…

Thế đấy, mỗi cung đường, mỗi địa danh đi qua đều có nét đặc chưng vùng miền và tích chuyện phía sau những cái tên nghe mộc mạc và dân dã ấy. Nghe chuyện, cánh tài xe ghép có vẻ thích thú và ngạc nhiên lắm. Ngạc nhiên là phải, năm tháng đó các cậu ấy đâu đã sinh ra!

Vĩ Thanh

Quê hương là nơi chốn đi về nhiều nhất đối với cuộc đời mỗi con người. Với tôi, những chuyến đi về Kim Bôi còn rất nhiều ở phía trước.

Tết này tôi lại đi xe ghép về quê. Lịch trình ngày, giờ… tôi đã định trước với Thông. Thông khẳng định: - Ông yên tâm, chúng con sẽ đón! Vẫn cứ “lối cũ” ông thích đi nhé! Bây giờ Hà Nội - Kim Bôi đường thông hè thoáng nên đâu còn mấy xa như trước? Sau hai giờ đồng hồ xe sẽ đưa ông đến tận nhà!

Hà Nội, ngày đầu năm 2023

Tạp bút của Bùi Đức Khiêm
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Hòa Bình