Hà Nội: Khởi tố vụ án trốn thuế trong hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử
Không kê khai nộp thuế theo quy định
Chiều 1/11, thông tin từ Công an TP. Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường (sinh năm 1986, trú tại Tổ 5, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa trên sàn kinh doanh thương mại điện tử.
Theo Công an TP. Hà Nội, thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội đã tạo môi trường thuận lợi cho các hình thức kinh doanh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đã cố tình không kê khai, nộp thuế, che giấu doanh thu gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Qua công tác nắm tình hình và phối hợp với Cục thuế TP. Hà Nội, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội phát hiện đối tượng Đỗ Mạnh Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử khác nhau (Shopee, Tiki, Lazada…) để kinh doanh điện thoại, phụ kiện với tư cách cá nhân…
Từ năm 2019 đến nay, hoạt động kinh doanh của Cường đã phát sinh doanh thu rất lớn. Căn cứ tài liệu thu thập được, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội xác định là hơn 160 tỷ đồng, nhưng Cường đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau để nhận tiền thanh toán và không kê khai, nộp thuế theo quy định, trốn thuế với số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Thời gian tới, Công an TP. Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Cục thuế TP. Hà Nội tiến hành rà soát việc thực hiện nghĩa vụ thuế đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Ảnh minh họa |
Điều đáng nói, từ năm 2019 đến nay, Cục thuế TP. Hà Nội đã phối hợp với Công an TP. Hà Nội tích cực tuyên truyền, nâng cao hiểu biết người dân về việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Đồng thời, chủ động giải đáp thắc mắc, khó khăn vướng mắc cho người dân trong việc kê khai, nộp thuế đối với hoạt động này.
Bản thân Đỗ Mạnh Cường cũng đã được cơ quan thuế làm việc, tuyên truyền, nhắc nhở nhưng Cương vẫn cố tình không chấp hành việc kê khai nộp thuế theo quy định. Thậm chí, đối tượng Cường thực hiện nhiều hành vi đối phó nhằm che giấu doanh thu, trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường để điều tra về hành vi trốn thuế và đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vai trò của các đối tượng có liên quan. Đồng thời, xác minh, làm rõ nguồn gốc hàng hóa cũng như toàn bộ doanh thu phát sinh của Đỗ Mạnh Cường trên các nền tảng mạng xã hội khác để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Cục thuế TP. Hà Nội tiến hành rà soát việc thực hiện nghĩa vụ thuế đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Từ đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi trốn thuế, gian lận trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách theo quy định.
Trốn thuế có thể bị phạt đến 7 năm
Luật sư Ma Văn Giang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, liên quan đến hành vi trốn thuế, tùy tính chất, mức độ của hành vi mà người nộp thuế có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Trốn thuế là thực trạng đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay. Với cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế.
Pháp luật Việt Nam quy định, trốn thuế là hành vi thực hiện các phương thức trái pháp luật nhằm giảm số thuế phải đóng hoặc trốn tránh việc đóng thuế cá nhân, doanh nghiệp.
Theo quy định, trường hợp cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17, Nghị định 125/2020.
Luật sư Ma Văn Giang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. Ảnh: Hải Sơn |
Ngoài ra, cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi trốn thuế. Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền dưới đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế: Từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Cũng theo Điều 200, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, mức phạt với tội trốn thuế được quy định cho cả cá nhân và tập thể.
Với cá nhân, hình phạt chính được áp dụng theo 3 khung như: Phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 3 năm; phạt tiền từ 1,5 đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Với pháp nhân thương mại, phạt tiền từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; phạt tiền từ 1 đến 3 tỷ đồng; phạt tiền từ 3 đến 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm.