Thứ hai 25/11/2024 19:52

Hà Nội: Kết nối cung - cầu lao động phù hợp tình hình mới

Thị trường lao động, việc làm bị ảnh hưởng theo các diễn biến của dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi dịch được khống chế, nguy cơ các doanh nghiệp (DN) sẽ đối mặt vấn đề thiếu lao động. Cùng với việc linh hoạt các giải pháp nhằm duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc xây dựng các phương án kết nối cung - cầu phù hợp trong bối cảnh tình hình mới cũng được cơ quan chức năng triển khai thực hiện.

Nhiều lao động bị giảm lương, thất nghiệp

Hiện nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp tại một số địa phương trong cả nước cũng như TP. Hà Nội, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động trên địa bàn thành phố. Nhiều lao động lâm vào tình trạng bị giảm lương, tạm nghỉ, không có việc làm hoặc thất nghiệp.

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động

Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 7/2021, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm chủ yếu nằm trong nhóm tuổi từ 30 - 39 tuổi, chiếm 47,39%, nhóm 15 - 29 tuổi chiếm 36,73%; từ 40 tuổi trở lên chiếm hơn 12%. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động tập trung chủ yếu ở nhóm có trình độ công nhân kỹ thuật không có chứng chỉ nghề chiếm 50,76%; trình độ từ cao đẳng trở lên 39,16%; trung cấp nghề chiếm 6,29% và sơ cấp nghề chiếm 3,8%.

Trong tổng số người lao động được khảo sát, có 18,73% người lao động mong muốn được làm việc trong các hoạt động công nghiệp; 18,17% mong muốn làm việc trong các hoạt động thương nghiệp, 18,12% mong muốn làm việc trong các hoạt động dịch vụ khác ở các vị trí lao động giản đơn (chiếm 31,03%)...

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến bị ngưng trệ, phần lớn DN không có nhiều nhu cầu tuyển dụng lao động mới, các vị trí tuyển dụng được lên kế hoạch tuyển dụng từ tháng 6 và vẫn được duy trì trong tháng 7. Ông Thành nhận định, thị trường lao động, việc làm trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ phụ thuộc vào các kịch bản phòng, chống dịch. Người lao động và DN vẫn còn chịu ảnh hưởng khó khăn do dịch bệnh trong năm nay.

Còn theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hiện tại, 80% số DN trong khu công nghiệp vẫn hoạt động, số còn lại phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng do không đáp ứng “3 tại chỗ”. Về nguồn lao động, Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội gấp nên đa số người lao động vẫn ở lại, khi DN được hoạt động trở lại, nguồn cung lao động sẽ không đáng ngại.

Sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ

Theo kết quả khảo sát xu hướng tuyển dụng của DN Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 do Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng Tập đoàn Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam vừa công bố, bức tranh tuyển dụng của các DN dự báo sẽ khởi sắc. Theo đó, hơn 80% DN được khảo sát có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng hoặc duy trì số nhân sự hiện tại. Có 40% DN dự kiến tăng tuyển dụng trong vòng 3 tháng tới, hơn 24% DN dự kiến tăng tuyển dụng trong 6 tháng.

Người lao động tìm hiểu những chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất tập trung ở các DN thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo, bán sỉ, bán lẻ và thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo, xây dựng và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp...

Nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, đồng thời, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, các đơn vị dự kiến áp dụng nhiều hình thức làm việc cho người lao động trong vòng 3 - 6 tháng tới. Cụ thể, 25% DN áp dụng làm việc toàn thời gian; 41% DN sẽ áp dụng đồng thời cả 2 hình thức làm việc ở văn phòng và làm việc từ xa; 22% lựa chọn bố trí các ca làm việc linh hoạt; khoảng 9% DN dự định cho người lao động làm ngoài công sở.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3362/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”. Theo đề án, giai đoạn 2021 - 2025, các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố được tổ chức hàng ngày, đồng bộ từ sàn trung tâm đến các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh.

Bình quân hàng năm, thành phố sẽ tổ chức 240 phiên giao dịch việc làm định kỳ, 12 phiên giao dịch việc làm đặc thù, 10 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, hiện đại hóa hoạt động giao dịch việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động, giao dịch việc làm; phấn đấu tỷ lệ giao dịch, phỏng vấn trực tuyến tại các phiên giao dịch việc làm đạt 30 - 35%. Xây dựng mô hình dự báo cung - cầu lao động phù hợp với điều kiện của thị trường lao động...

Theo các chuyên gia, nhân lực công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các DN đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ. Hiện, nhiều DN thuộc lĩnh vực dịch vụ vẫn có nhu cầu tuyển dụng do xu hướng mua sắm những mặt hàng thiết yếu nhiều, đặc biệt những DN thuộc bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghệ thông tin...

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Vũ Quang Thành cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo "mục tiêu kép", vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo hỗ trợ người lao động và DN thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm, nhất là hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của DN để kịp thời nắm bắt biến động lao động do ảnh hưởng từ dịch bệnh, đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu trên địa bàn thành phố. Dự báo kịp thời về lao động, việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, làm cơ sở để xây dựng các phương án kết nối cung - cầu phù hợp trong tình hình mới.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai công tác thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của DN và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung - cầu. Đồng thời, tổng hợp phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động và tăng cường kết nối online cho DN, người lao động qua zalo, facebook...
Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Quảng Ninh tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên than

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng GRDP năm 2024 dự kiến đạt 7,5-7,8%

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Dân ca Quan họ Bắc Ninh: 15 năm lan tỏa mạnh mẽ

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà

Quảng Ninh: Doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất nhờ tiết kiệm điện

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu

Quảng Ninh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp 39,4ha ở tỉnh Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?