Thứ ba 21/05/2024 01:12

Hà Nam: Đánh giá đúng thực tế để xây dựng mục tiêu

Tỉnh Hà Nam phấn đấu đến hết năm 2020 có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Tuy nhiên, hiện mới có Xuân Khê (huyện Lý Nhân) là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn xây dựng NTM kiểu mẫu.

Thay đổi tích cực

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn tỉnh Hà Nam có nhiều thay đổi tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 91/98 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 3 đơn vị cấp huyện là huyện Duy Tiên, Kim Bảng và TP. Phủ Lý được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu

Xác định rõ, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc; kết quả xây dựng NTM phải đảm bảo bền vững, hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn... Vì vậy, ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 691/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng xã NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018 – 2020, với quan điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu nhằm nâng cao chất lượng toàn diện tiêu chí NTM đạt được theo hướng đồng bộ, bền vững và được người dân hài lòng.

Giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo 6 xã làm điểm để xây dựng thí điểm đảm bảo đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào năm 2020, với quan điểm xã làm điểm chỉ làm trước một bước để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng, những xã còn lại rà soát kết quả thực hiện xây dựng lựa chọn các tiêu chí phù hợp với địa phương mình, để triển khai thực hiện theo phương châm tiêu chí nào dễ, cần nguồn lực ít hoặc huy động được nguồn lực xã hội hóa, được người dân đồng thuận cao thì thực hiện trước. Những tiêu chí khó cần nguồn lực lớn thì thực hiện sau, để đến hết năm 2020 mỗi xã ít nhất đạt từ 5/13 chỉ tiêu trở lên trong Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ cho xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu 2 tỷ đồng/xã để thực hiện các nội dung công việc của xã; thôn của xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là 300 triệu đồng/thôn để thực hiện các nội dung công việc của thôn; giao các sở, ngành có liên quan hướng dẫn địa phương triển khai, thực hiện tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020.

Sau gần một năm triển khai thực hiện đề án, các xã triển khai thí điểm bước đầu đã có những nét thay đổi; dáng dấp xã NTM kiểu mẫu được hình thành. Cơ sở hạ tầng đường giao thông, trường học, nhà văn hóa khu thể thao thôn, xóm được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa; trạm y tế được đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và bổ sung bác sĩ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, điều trị ban đầu cho người dân… Nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có hiệu quả kinh tế cao đã hình thành như: Mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt, thủy sản tại xã Mộc Bắc (Duy Tiên). Ngày 8/6/2020, UBND tỉnh Hà Nam họp hội đồng thẩm định xét, công nhận xã Xuân Khê đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2019.

Còn nhiều tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn cần tập trung tháo gỡ. Một số tiêu chí tuy đã đạt chuẩn NTM nhưng còn thiếu tính bền vững; các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị chậm được nhân rộng; chất lượng sản phẩm chưa thật sự có lợi thế cạnh tranh, thiếu tính ổn định, bền vững, quy mô nhỏ lẻ.

Nguồn lực đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng, xây dựng NTM kiểu mẫu của các xã còn gặp khó khăn, nguồn vốn chủ yếu vẫn là từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Một số chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM kiểu mẫu quy định còn cao như: Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người phải gấp 1,5 lần so với xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo bền vững…

Với mục tiêu đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn NTM và 6/6 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đồng thời thực hiện thành công Đề án xây dựng xã NTM kiểu mẫu của tỉnh, thời gian tới, tỉnh Hà Nam tập trung rà soát tất cả các xã đạt chuẩn NTM từ năm 2018 trở về trước trên tất cả các tiêu chí phải đảm bảo đạt mức tối thiểu theo quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg đến năm 2020. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM" ...

Gắn trách nhiệm hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu được phân công với nhiệm vụ của ngành và công tác thi đua hàng năm. Tranh thủ huy động nguồn lực tổng hợp để xây dựng NTM kiểu mẫu.

Xây dựng xã NTM kiểu mẫu thực chất, bền vững trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế của từng xã để xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm: "Chỉ tiêu, tiêu chí nào dễ, phù hợp với nguyện vọng của người dân và có nguồn lực thì làm trước, tiêu chí nào khó, cần nhiều nguồn lực thực hiện thì làm dần từng bước, làm đến đâu chắc đến đó và đảm bảo tính bền vững lâu dài, hiệu quả cao".

Để việc xây dựng xã NTM kiểu mẫu tiếp tục được triển khai thực hiện thuận lợi, tỉnh cũng đề nghị Trung ương có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho các xã phấn đấu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2018 - 2020 và các xã thực hiện giai đoạn sau năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng: Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, 6/6 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh có ít nhất 1 xã đạt NTM kiểu mẫu nhưng đến nay mới có 1 xã đạt. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cần tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu của tỉnh giai đoạn năm 2018 - 2020.
Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: nông thôn mới

Tin cùng chuyên mục

Ứng dụng khoa học - công nghệ: Đòn bẩy đưa sản phẩm kinh tế tập thể vươn xa

Xâm nhập mặn có khả năng đã qua đỉnh điểm

AgroChemEx Vietnam 2024: Hướng tới nền nông nghiệp, công nghiệp xanh bền vững

Tìm ra nguyên nhân ban đầu dẫn đến hiện tượng tôm hùm bông bị chết

Hội nghị quốc tế về chỉnh sửa gen trên cây trồng lớn nhất tại Việt Nam

Hoàn thiện các mảnh ghép, quyết gỡ ‘thẻ vàng’ IUU

4,4 triệu USD hỗ trợ sử dụng phân bón đúng

Hải Dương: Cá chết nổi trắng sông, người dân mất cơ nghiệp hàng tỷ đồng

Phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành ong đến năm 2030”

Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lao động hợp tác xã

Bàn cách khai thác giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

Đã đến giai đoạn có thể gỡ bỏ 'thẻ vàng' IUU

"Chắp cánh" thương hiệu sắn dây Hải Dương vươn ra toàn cầu

Dự báo vải Thanh Hà mất mùa, nông dân kỳ vọng được giá

Điểm tên 6 tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước

Tổ chức Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024

Đề nghị Đồng Nai chặn ngay tình trạng nhập lậu gia cầm

Sắp diễn ra Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh

Về Thanh Hà xem nông dân thu hoạch mật ong hoa vải xuất khẩu sang Mỹ

Chiến dịch Empower Youth4Food - Thay đổi nhận thức của giới trẻ Việt về nông nghiệp