Giò, chả Tết giảm giá mạnh, người mua vẫn 'chê' đắt
Tại sạp hàng của chị Hoa, tuy đã là 25 Tết, nhưng chủ yếu khách chỉ mua theo khoanh, lạng để ăn ngay hoặc thắp hương, ít người mua cả cây như mọi năm. Tết ông Công ông Táo vừa qua, ngày nhiều nhất, chị Hoa bán được hơn 10kg giò chả các loại.
“Các năm trước có nhà mua nhiều, còn yêu cầu hút chân không để bảo quản được lâu. Năm nay người mua tới từng ấy ít lắm, có người ngày nào cũng đi qua hỏi giá nhưng chưa mua, chỉ thắc mắc sao thịt lợn giảm rồi mà giò chả vẫn đắt thế”, chị Hoa kể.
Giá giò lụa 250.000 đồng/kg niêm yết tại một cửa hàng ở chợ Thanh Hà |
Tương tự, tại chợ Thanh Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), các tiểu thương cũng cho biết, giò chả làm từ thịt lợn đã giảm giá, nhưng từ giờ tới Tết khó giảm thêm do hàng nhập đầu vào vẫn cao. “Mua ít thì người ta không để ý, nhưng ai chọn nhiều, tính tiền là đắn đo ngay. So sánh 3kg giò lụa năm ngoái với giá năm nay, tổng tiền chênh lệch tới 150.000 đồng”, chị Thoa (tiểu thương chợ Thanh Hà) nhẩm tính.
Theo các tiểu thương, dù cận Tết, giá có giảm nhẹ nhưng sức mua chưa cao |
Theo một chủ hàng tại chợ Thanh Hà, thịt lợn chọn làm giò phải dùng thịt tươi mới mổ, bỏ hết bì, lọc bớt mỡ, … vì thế nên lượng thịt sau đó khá hao, thịt đắt nên càng tốn hơn. Người này cho biết, trên thị trường, tại các siêu thị có bán thịt lợn nhập khẩu giá rẻ, nhưng không thích hợp làm giò, thành phẩm cuối cùng sẽ bị khô. Không có lựa chọn thay thế, giá cao ngay từ nguyên liệu đầu vào, người bán chỉ còn cách tăng giá bán.
Ngoài giò chả, thịt lợn còn là nguyên liệu thiết yếu của nhiều món ăn ngày Tết. Tại các chợ truyền thống, đắt nhất là sườn non, ba chỉ,… từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Dù đã giảm 10.000 – 15.000 đồng/kg so với thời điểm “sốt” giá, nhưng thịt lợn vẫn ở ngưỡng cao trong khi thịt bò, gà ở mức ở định, khiến nhiều bà nội trợ phải cân nhắc khi lựa chọn thực phẩm.
Thịt lợn vẫn ở ngưỡng cao trong khi thị bò, gà ở mức ổn định |
Tiết kiệm chi phí mua sắm Tết, năm nay, chị Trang (Khâm Thiên, Hà Nội) quyết định mang thịt, gạo nếp, măng, gà, … từ quê lên. “Năm nay nhà mình ăn Tết ở thành phố nhưng có về quê trước đó để thắp hương, thăm hỏi họ hàng, tiện thể đem đồ lên, vừa tiết kiệm lại sạch sẽ”, chị Trang nói.
Không mua giò, bánh chưng ở ngoài, chị Trang và vài người bạn quyết định góp đồ, tự làm tại nhà. Chị Trang giải thích: “Mọi năm mấy chị em mình chỉ gói bánh chưng, nhưng năm nay sẽ làm thêm giò. Làm cho nhà ăn nên cũng không tốn nhiều thời gian, rẻ hơn mua ngoài, không lo hàng the, chất bảo quản. Mua ngoài chợ đến 300.000 đồng/kg, đắt quá mà vẫn chẳng biết bên trong thế nào”.