Thứ năm 28/11/2024 09:35

Giảm phát thải khí nhà kính: Doanh nghiệp không đơn độc

Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan nghiên cứu, dịch vụ tư vấn sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc giảm phát thải khí nhà kính.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Sỹ Linh - Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN&MT) - với phóng viên Báo Công Thương.

Thưa ông, Việt Nam đã thực hiện thống kê như thế nào trong cam kết giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050?

Việt Nam đã thực hiện 5 lần kiểm kê khí nhà kính chính thức, cùng một phương pháp tính với số liệu của 3 năm gần đây nhất 2010, 2014 và 2016. Với số liệu của năm 2020, hiện, Bộ TN&MT đang tính toán và ở giai đoạn xin ý kiến của các bên liên quan, thẩm định cuối cùng.

Ông Nguyễn Sỹ Linh. Ảnh Nguyễn Hiền

Theo số liệu năm 2016 chính thức cập nhật, phát thải khí nhà kính quốc gia của Việt Nam khoảng 316 triệu tấn CO2, đứng thứ 27 trên thế giới và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Malaysia). Số liệu năm 2020 sẽ được công bố trong thời gian tới và chắc chắn cao hơn năm 2016. Lượng phát thải chính thuộc lĩnh vực năng lượng, tiếp theo là nông nghiệp, sử dụng đất, trong đó nông nghiệp chiếm khoảng trên 10%.

Số liệu này do Bộ TN&MT đã tính toán và xin ý kiến của các bên liên quan thẩm định. Hiện, Bộ TN&MT đang xác minh để công bố số lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong năm 2020.

Việt Nam đã làm gì để hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thưa ông?

Về chính sách, Việt Nam đã ban hành 3 chính sách quan trọng, quy định rất cụ thể về chính sách, định hướng chung để góp phần đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Thứ nhất, Đề án thực hiện cam kết tại COP26 theo Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là văn bản đầu tiên đề cập đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam ngoài cam kết tại COP 26, trong đó đã đề cập đến các mục tiêu về giảm phát thải đến năm 2030 và mục tiêu giảm phát thải đến năm 2050 cùng những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực phát thải chính.

Thứ ba, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022, với mục tiêu đến năm 2030, sẽ giảm 30% lượng khí metan so với mức năm 2020. Cần lưu ý rằng, khí metan là một trong những loại khí nhà kính và một đơn vị khí metan tương đương với khoảng 280 đơn vị carbon, gây ra nguy cơ về nóng lên toàn cầu rất cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nước thứ ba tham gia vào thỏa thuận chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), sau Nam Phi và Indonesia. Qua đó, đã huy động được khoảng 15,5 tỷ USD vốn vay ưu đãi và vốn vay ngắn hạn để giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng theo hướng ít phát thải carbon hơn.

JETP là sáng kiến được thực hiện do các đối tác phát triển và các quốc gia phát triển trên thế giới thực hiện tham gia thỏa thuận tại COP 26. Đây chính là hành động cụ thể của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Ở góc độ Chính phủ, đã có những nỗ lực hành động về chính sách. Tuy nhiên, để thực hiện, vai trò của doanh nghiệp và từng người dân rất quan trọng, giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm rác thải trong tiêu dùng theo hướng bền vững hơn.

Theo ông, công nghệ mà các DN đang sử dụng có đáp ứng được yêu cầu sản xuất xanh, thấp carbon không?

Doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau với quy mô sản xuất khác nhau, giải pháp cụ thể rẻ nhất đó là thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chắc chắn, đây là giải pháp thuận lợi, tiết kiệm nhất để giảm phát thải khí nhà kính.

Tôi cũng muốn nói đến các giải pháp tuần hoàn, sử dụng sản phẩm kéo dài vòng đời sản phẩm, đối với doanh nghiệp tùy từng lĩnh vực. Có thể, trong lĩnh vực xi măng, ít sử dụng clinker hơn trong sản xuất 1 đơn vị sản phẩm, hay sử dụng tuần hoàn nhiệt lượng trong quá trình sản xuất tại một số nhà máy như nhà máy nhiệt điện giúp cho việc nâng cao hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện. Tựu chung lại, mỗi loại hình sản xuất sẽ có những công nghệ, giải pháp phù hợp giúp giảm phát thải. Hay trong lĩnh vực giao thông hướng đến sử dụng xe điện, tuy nhiên, nguồn điện đó phải được sản xuất từ năng lượng tái tạo mới giảm phát thải.

Hiện, Bộ TN&MT đã đồng hành với DN như thế nào để giảm phát thải khí nhà kính, thưa ông?

Để giảm phát thải khí nhà kính theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon cũng như một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường đã từng bước đưa ra những chế tài, song vẫn chưa có mức cụ thể.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ TN&MT đang phối hợp với Tổ chức JICA (Nhật Bản) thực hiện tập huấn đào tạo liên quan đến kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và công ty tư vấn đã thực hiện các biện pháp đầu tư cung cấp khóa đào tạo về báo cáo kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài việc cơ quan quản lý nhà nước chủ động cung cấp thông tin và văn bản pháp luật có hiệu lực, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu tham gia.

Tiềm năng phát thải của doanh nghiệp còn rất lớn, tuy nhiên, vai trò của Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu, dịch vụ tư vấn cần phải song hành. Việc cùng tham gia sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các yêu cầu, cơ quan quản lý có thể cung cấp được nguồn tài chính thông qua định chế tài chính như: Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới… Các tổ chức khác có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cùng hướng đến mục tiêu chung là giảm phát thải khí nhà kính.

Theo ông, lĩnh vực sản xuất nào “nhạy cảm” với các quy định toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính?

Hiện, chưa có một báo cáo, đánh giá lĩnh vực nào, tuy nhiên, doanh nghiệp rất nhạy bén trong các quy định mới như quy định của châu Âu về Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), doanh nghiệp đã tiếp cận, tuy nhiên ở cơ quan quản lý nhà nước, sẽ có độ trễ do phải chuẩn bị để đưa vào ban hành văn bản pháp luật, đánh giá chính sách pháp luật.

Dệt may là lĩnh vực rất nhạy cảm trong các quy định thương mại toàn cầu, tuy nhiên, đây không phải là lĩnh vực sản xuất phát thải khí nhà kính nhiều, mà liên quan về quyết định lĩnh vực môi trường nhiều hơn như vi nhựa, các tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe… Hiện nay, tại một số thị trường, doanh nghiệp đã yêu cầu dán nhãn carbon và “dấu chân” carbon trong các sản phẩm dệt may. Điều này phụ thuộc vào từng doanh nghiệp và thị trường, đó là thị trường trong nước hay thị trường xuất khẩu, thị trường xuất khẩu EU hay Mỹ..., sẽ có sự chuẩn bị cụ thể hơn.

Hiện, nhiều nước cũng chưa có những quy định cụ thể về “dấu chân” carbon với các sản phẩm. Đối với “dấu chân” carbon là vấn đề mới, nếu tính toán mất rất nhiều thời gian. Đến nay, nhiều nước, như Thái Lan mới chỉ được cấp chứng nhận carbon thấp; một số nước khác đưa ra nhãn, quy trình đòi hỏi thời gian.

Xin cảm ơn ông!

Minh Kỳ
Bài viết cùng chủ đề: bảo vệ môi trường

Tin cùng chuyên mục

Gia Lai: Chuyện về cô giáo trẻ và hành trình gieo chữ ở vùng cao

Bộ Nội vụ: Thông tin sáp nhập các tỉnh, thành trên mạng xã hội là sai sự thật

Trường hợp nào không cần giấy chuyển tuyến vẫn được hưởng 100% bảo hiểm y tế?

Phiên họp Nhóm công tác Hải quân Việt Nam - Singapore lần thứ 10

Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng

Chính sách 'vàng' thu hút nhân lực y tế về Quảng Ninh

Quảng Nam: Xuất hiện vết nứt dài, 10 hộ dân phải di dời khẩn cấp

Dưa hấu rớt giá thê thảm, nông dân Gia Lai 'mòn mỏi' chờ thương lái

Thận trọng trước loạt sản phẩm hỗ trợ sức khỏe bán trái phép trên thương mại điện tử

Vũng Tàu: Gần 50 người nhập viện nghi do ngộ độc bánh mì

Quảng Bình: Cháy xưởng sản xuất bột cá, thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng

Nhân sự 26/11: Bộ Tài chính bổ nhiệm lãnh đạo cục, vụ; Tỉnh ủy Thái Bình, Hà Nam có nhân sự mới

Dự báo thời tiết biển ngày 27/11/2024: Hôm nay biển động

Dự báo thời tiết hôm nay: Cập nhật tin gió mùa Đông Bắc

Dự báo thời tiết hôm nay 27/11/2024: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời rét

Tối 26/11, thêm khách hàng trúng Vietlott Power 6/55 nhiều tỷ đồng

Bình Thuận: Thu hồi 11 giấy phép xe tập lái cải tạo trái phép

Việt Nam đã sử dụng 5,9 triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi

Trường Quản trị và Kinh doanh ra mắt tạp chí Quản trị, An ninh và Công nghệ​

Nhiều điểm cần chú ý trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học từ năm 2025